Doanh nghiệp cần biết tránh “bẫy” khi ký bảo lãnh với ngân hàng

Minh Sơn

(Tài chính) Việc các ngân hàng né tránh thực hiện các chứng thư bão lãnh không còn là câu chuyện xa lạ trong thời gian qua khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Vậy các doanh nghiệp nên nắm rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi thực hiện hợp đồng.

CTCP Phát Hùng Anh (Phát Hùng Anh) có ký một hợp đồng kinh tế với công ty CP Thương mại Xây dựng Phú Hải Minh (Phú Hải Minh) (quận 3, TP. HCM) thi công gói thầu hoàn thiện phần nhân công, máy thi công, vật tư cốp pha móng trụ công trình tại Bạc Liêu. Trong hợp đồng có ghi rõ về giá trị, khối lượng, tiến độ thi công, điều kiện đảm bảo cũng như các điều khoản khác có liên quan. Căn cứ vào đề nghị của đơn vị thi công và hợp đồng kinh tế giữa hai bên, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)  - Phòng giao dịch Tân Bình đã phát hành thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng (BG – AA 06384) có giá trị bảo lãnh là 792.000.000đ và thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (BG - AA 06385) 1.584.000.000đ đảm bảo cho số tiền mà Phát Hùng Anh đã tạm ứng trước cho Phú Hải Minh.

Sự việc của Phát Hùng Anh không còn là câu chuyện xa lạ trong thời gian qua về những kiểu thoái thác, né tránh, kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi tranh chấp, vi phạm hợp đồng giữa các bên. Theo dõi thực tế các chứng thư bão lãnh được phát hành, giá trị ít thì cũng vài tỷ đến cả trăm tỷ đồng. Giá trị tiền đã là một vấn đề nhưng kiểu hành xử dây dưa, tìm cách né tránh, đùn đẩy thường để lại hậu quả ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu, cũng như niềm tin của khách hàng, nhà thầu đối với ngân hàng, đây mới là chuyện lớn.

Theo một luật sư thuộc đoàn Luật sư TP. HCM, thời gian qua nghiệp vụ bảo lãnh tại các tổ chức tài chính, ngân hàng được nhà thầu tin tưởng sử dụng như một “cứu cánh” nhằm giúp phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra khi một trong hai bên vi phạm cam kết hợp đồng. Và chính các ngân hàng cũng coi đây như một dịch vụ làm gia tăng giá trị, tiện ích cho ngân hàng mình. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình cung cấp, không tránh khỏi những tranh chấp xảy ra giữa các bên khi tham gia và sự trông chờ vào giải pháp “cứu cánh” từ ngân hàng bỗng chốc lại trở thành gánh nặng phát sinh.

Có thể kể ra một số vụ việc diễn ra mới đây liên quan đến việc bảo lãnh ngân hàng như việc ngân hàng SeABank từ chối nghĩa vụ bảo lãnh  hơn trăm tỷ cho tập đoàn Vinaconex và Viettel do hợp đồng bảo lãnh được ngân hàng cho là  ký vượt khung quy định và không có trong hệ thống. Hay việc phát hành bảo lãnh của một ngân hàng cho Công ty Tân Hồng Hà khiến sự vụ này đã phải đưa đến cơ quan công an và kết quả là giám đốc chi nhánh  ngân hàng đã bị khởi tố điều tra...

“Phần lớn, các vụ việc ngân hàng từ chối thanh toán bảo lãnh thường đi kèm với nhiều lý do đưa ra như bảo lãnh phát hành sai quy trình, quá thời hạn hiệu lực không được gia hạn, bên nhận bảo lãnh không chứng minh được vi phạm, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật…”, vị luật sư nói.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm và Chính cho biết, có những điều khoản trong chứng thư bảo lãnh của ngân hàng có thể “ hô biến” từ bảo lãnh có giá trị thành vô giá trị, hoặc  không điều kiện thành có điều kiện kiểu như “ chúng tôi cam kết vô điều kiện”, “không hủy ngang cho bên nhận bảo lãnh trong thời hạn hiệu lực”, “hồ sơ chứng minh không cần xác nhận của bên vi phạm hợp đồng”, “bảo lãnh có giá trị hết 150 ngày kể từ ngày ký… “

Nhưng khi tranh chấp xảy ra và có yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thì lập tức ngân hàng sẽ yêu cầu ngược trở lại đối với bên nhận bảo lãnh về các tài liệu chứng minh vi phạm, thời gian thương thuyết gặp gỡ giải quyết kéo dài, thậm chí đưa ra “con bài” bên được bảo lãnh có công văn yêu cầu ngân hàng chưa thực thi nghĩa vụ vì những lý do “abc” như vậy ngân hàng sẽ có lý do thoái thác. Hay thời gian 150 ngày là số ngày làm việc hay tính cả ngày nghỉ…

Với “một trăm lẻ một” lý do đưa ra thì đến khi nhận được quyền lợi của mình thì các nhà thầu cũng thấm đòn, thậm chí đành ngậm ngùi tự trách mình đã không đọc kỹ cam kết bảo lãnh hoặc bất quá thì cũng đưa nhau ra tòa khởi kiện. Chính vì vậy, trước khi tham gia bảo lãnh, các DN cần tìm hiểu, đọc kỹ các quy định của pháp luật, luật các tổ chức tín dụng, quy định về nghiệp vụ cấp bảo lãnh, đến những điều kiện của từng ngân hàng, các khoản ghi trong chứng thư từ thời gian, từ ngữ… để không bị rơi vào tình cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng” khi tham gia bảo lãnh ngân hàng.

Một chuyên gia về lĩnh vực tài chính ngân hàng phân tích, việc các ngân hàng đặt nặng vấn đề quản trị rủi ro đối với nghiệp vụ bảo lãnh ở vấn đề phải thực hiện nghĩa vụ khi xảy ra tranh chấp dẫn đến việc đưa ra các điều kiện phức tạp, rối rắm, biến việc thực hiện nghĩa vụ một cách vô điều kiện thành có điều kiện phải đáp ứng, đẩy cái khó cho bên nhận bảo lãnh khi phát sinh tranh chấp là quan điểm sai lầm. Vấn đề chính ở chỗ, ngân hàng phải xác định rõ hướng quản trị rủi ro phải nằm ở khâu giải quyết cấp bảo lãnh và đảm bảo tiền vay đối với việc cấp bảo lãnh. Như vậy, ngoài việc hạn chế được tối đa  rủi ro xảy ra do đã nắm rõ năng lực của bên được bảo lãnh, thậm chí khi sự việc xảy ra ngân hàng cũng yên tâm thực hiện nghĩa vụ vì đã “nắm đằng chuôi”.

Mặt khác việc trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng về nghiệp vụ bảo lãnh cho đội ngũ nhân sự ngân hàng cũng giúp hạn chế thấp nhất những thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra. Mặc dù Thông tư 28/2012/TT – NHNN có những quy định và hướng dẫn rất cụ thể, chặt chẽ về nghiệp vụ cấp bảo lãnh ngân hàng, nhưng trong bối cảnh hiện nay ngoài việc tuân thủ, vận dụng đúng vào thực tiễn thì bản thân mỗi ngân hàng thương mại cũng cần chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình hoạt động, triển khai nghiệp vụ để tránh để xảy ra những sự việc tranh chấp, kiện tụng khiến khách hàng mất niềm tin, cũng như làm ảnh hưởng chung đến uy tín của ngành ngân hàng.