Doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để tận dụng lợi ích từ EVFTA

Theo Kim Dung/daibieunhandan.vn

Ngày 2/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Tham vấn về các tác động của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam” do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên (EU-MUTRAP) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức.

Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự (Ảnh: K.D)
Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự (Ảnh: K.D)

Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Đây là FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất với 99,2% số dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức thuế ưu đãi 0%.

Theo các chuyên gia, để đạt được tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo của EU và nâng cao khả năng cạnh tranh, Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như: dệt may, giày dép… và lắp ráp (như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử).

Cụ thể, ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia nước ngoài EU-MUTRAP đánh giá, EU là một thị trường có mức thu nhập cao, cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất lớn. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị và giải quyết trước khi FTA này có hiệu lực; trong đó khó khăn là việc đảm bảo quy tắc xuất xứ của EVFTA.

Hiệp định này mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tham gia rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hình thức khác nhau. Đơn cử như việc dỡ bỏ thuế quan, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, cải thiện quy tắc và chứng nhận xuất xứ, cải thiện môi trường, tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ kỹ thuật tăng cường nhận thức và áp dụng những tiêu chuẩn của thị trường EU.

Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn, chất lượng ngặt nghèo của EU và nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc tăng thêm hàm lượng giá trị gia tăng và hàm lượng chế biến trong ngành hàng xuất khẩu, Việt Nam vẫn phải vượt qua nhiều thách thức không hề nhỏ.

Cùng chung quan điểm đó, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam khẳng định, Hiệp định EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường từ EVFTA. Bởi trong khi Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, thì đây lại là yêu cầu đặt lên hàng đầu từ phía EU. Đáng lưu ý là rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Bên cạnh những quy định về xuất xứ, lao động và môi trường, thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU.

Điển hình là mặt hàng nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Ngoài ra, ý kiến cũng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế nói chung cũng như EVFTA nói riêng để xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm hiểu và mở rộng các cơ hội tiếp cận thị trường EU./.