Doanh nghiệp Việt vẫn “bỏ phí” những ưu đãi từ VKFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức có hiệu lực được 2 năm, nhưng đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết các lợi ích từ hiệp định này mang lại, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc lại làm rất tốt.
Chưa tận dụng được ưu đãi
VKFTA có hiệu lực từ tháng 12/2015, với những cắt, giảm sâu về thuế quan… hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các nhóm hàng quan trọng có thế mạnh sang Hàn Quốc, như: nông, thuỷ sản (chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới), dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Thế nhưng, đến nay, nhiều ưu đãi từ hiệp định này vẫn bị doanh nghiệp Việt Nam bỏ phí. Ví dụ, đối với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.
Về trái cây, hiện có 5 loại quả tươi được phép xuất khẩu vào Hàn Quốc là dừa, dứa, chuối, thanh long và xoài. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 loại quả là dừa, xoài và thanh long được xuất khẩu vào Hàn Quốc, còn dứa và chuối chưa xuất được do không cạnh tranh được với Philippines...
Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Quang Phúc, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, trong khi các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi VKFTA có hiệu lực, thì đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được thông tin, lợi ích mà VKFTA, mang lại dẫn đến “bỏ quên” các ưu đãi lẽ ra được hưởng (Anh Hoa, 2017).
“Việc sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường thành viên tham gia FTA là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi có yêu cầu của đơn vị nhập khẩu, chưa chủ động xin cấp C/O trước khi xuất hàng”, ông Phúc cho biết.
Trên báo Vnepress.net, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nên chưa tận dụng được lợi thế mà VKFTA đem lại.
“Năng lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là nông – thủy sản nên giá trị không cao. Điều này dẫn tới việc khi nhiều FTA đi vào hiệu lực, nhập siêu từ các thị trường khác có xu hướng gia tăng”, ông Long cho biết.
Cần phải làm gì?
Để tận dụng được các cơ hội từ VKFTA, trên Báo Đầu tư, ông Han Kyung Joon, Phó Giám đốc Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết trong VKFTA để vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Hồng Sơn trên báo Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do có lợi cho Việt Nam bao nhiêu, mà doanh nghiệp không biết cách tận dụng thì cũng không thể mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi các hiệp định thương mại tự do nói chung, VKFTA nói riêng.
Ngoài ra, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng tại Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc cập nhật, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt các thông tin hội nhập.
“Có như vậy, các FTA mới phát huy được giá trị trong việc thúc đẩy trao đổi hàng hóa và nâng cao giá trị xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt”, ông Sơn cho biết./.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 45,09 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc kim ngạch hàng hóa trị giá 10,68 tỷ USD và nhập khẩu từ Hàn Quốc 34,41 tỷ USD.