Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả ưu đãi về chính sách thuế

Theo Hải quan

Trong bối cảnh cần thiết phải vực dậy nền kinh tế, Chính phủ nhiều quốc gia đã có những chính sách thuế linh hoạt. giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển trước những biến động của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam cũng có những động thái tích cực trong điều chỉnh chính sách thuế đã và đang phát huy được tác dụng. Chia sẻ nhận xét này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên, bên lề cuộc hội thảo “Chiến lược Thuế để vượt bão suy thoái kinh tế”, vừa diễn tại Hà Nội.

- Vấn đề thuế của các DN Việt Nam hiện nay, khi phải đối mặt với tình trạng suy thoái thường gặp phải là gì, thưa bà?
 
- Xét về nguyên tắc khi phải đối mặt với tình trạng suy thoái thì vấn đề khó khăn của các DN Việt Nam cũng như các DN khác trên thế giới không phải là vấn đề về thuế ; tuy nhiên thuế là vấn đề tất cả các DN đều quan tâm. Về lĩnh vực thuế, hiện nay các DN mong muốn có được hệ thống chính sách thuế rõ ràng, minh bạch, tương đối ổn định và thủ tục hành chính thuế đơn giản để giúp doanh nghiệp được ưu đãi thuế theo quy định và giảm thiểu vi phạm pháp luật về thuế. Riêng trong gian đoạn suy thoái, DN mong muốn Chính phủ có giải pháp trợ giúp, góp phần giúp DN vượt qua khủng hoảng như: miễn giảm, gia hạn nộp thuế...
 
- Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các DN như thế nào để vượt qua khủng hoảng?
 
- Để giúp DN Việt Nam vượt qua khủng hoảng, Chính phủ đã có những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, trong đó có gói giải pháp về thuế trong năm 2009 và năm 2010, giúp cho nhiều DN vượt qua nguy nan, trước bờ vực nợ nần, phá sản.
 
Năm 2009, Chính phủ cho phép giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian 9 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2009 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; Giảm 50 % Thuế suất thuế GTGT cho nhiều nhóm mặt hàng; Tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá thực xuất khẩu trong trường hợp DN chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán).
 
Năm 2010, Chính phủ cho phép gia hạn nộp thuế TNDN phải nộp năm 2010 thêm 3 tháng đối với DN nhỏ và vừa, DN dệt may da giày,dép. Tiếp tục tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá thực xuất khẩu trong trường hợp DN chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán). Gia hạn nộp thuế GTGT khâu NK và hoàn thuế GTGT thêm 60 ngày đối với máy móc, thiết bị phương tiện vận tải chuyên dùng phải nhập khẩu nằm trong dây chuyền CN và vật tư XD thuộc loại trong nước chưa SX được để tạo TSCĐ của DN. Tạm thời điều chỉnh thời hạn nộp thuế GTGT thêm 90 ngày  đối với các mặt hàng là nguyên liệu SX thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón và thuốc trừ sâu ở khâu NK lên 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan…
 
Sau thời kỳ suy giảm kinh tế, Bộ Tài chính đã ban hành 3 thông tư 94/2010/TT-BTC ngày 30/6/2010 về hướng dẫn thực hiện hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu; Thông tư 92/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 về thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móng, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghiệp và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để làm tài sản cố định của doanh nghiệp và Thông tư 128/2010/TT-BTC ngày 26/8/2010 tạm thời điều chỉnh thời hạn nộp thuế GTGT đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón và thuốc trừ sâu. Ba thông tư trên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN có thêm nguồn lực ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
- Bà có lời khuyên nào dành cho các DN trong việc thực hiện các biện pháp thuế trước những hỗ trợ tích cực như vậy của Chính phủ?
 
-Trước hết DN phải tận dụng tối đa các ưu đãi trong giải pháp ưu đãi về thuế của Chính phủ. Bên cạnh đó DN phải phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững ,phát triển thị phần, vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh ...bằng các biện pháp đồng bộ: nâng cao năng lực quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuât, trình độ công nghệ cao ... nhằm phục vụ tốt nhất người tiêu dùng Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Xin cảm ơn bà!