Doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình luật hoá cam kết CPTPP

Theo Hạ An/bizlive.vn

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp cần chủ động tham gia sâu và hiệu quả vào quá trình cơ quan Nhà nước luật hóa cam kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong chuyên đề "CPTPP Cánh cửa đã mở và hành động của chúng ta", VCCI cho hay: "Việt Nam tham gia CPTPP để đổi lấy những cơ hội nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận những thách thức về quy tắc tiêu chuẩn cao cũng như việc thu hẹp không gian tự do trong quyết định các chính sách phía sau đường biên giới".

Trong CPTPP, chúng ta sẽ mở cửa thị trường rộng cho 10 nền kinh tế đối tác, trong đó có những đối tác mới chưa từng tự do hóa. Những ngành xưa nay vốn được bảo hộ tương đối chặt chẽ, hoặc yếu thế trong cạnh tranh như chăn nuôi, một số sản phẩm trồng trọt, một số lĩnh vực dịch vụ… được cho là sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, khi triển khai thực hiện CPTPP, chúng ta sẽ phải rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật trong khá nhiều lĩnh vực. Với Nhà nước, đó là thách thức trong việc chuyển hóa các cam kết quy tắc của CPTPP vào pháp luật nội địa một cách uyển chuyển, làm sao để vừa tuân thủ Hiệp định, lại vừa có lợi nhất cho nền kinh tế, tránh được bẫy phân biệt đối xử ngược.

Với doanh nghiệp, một số tiêu chuẩn có thể sẽ tăng lên hoặc phức tạp hơn theo yêu cầu của Hiệp định về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... sẽ khiến gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng thêm tương ứng. Đó là chưa kể tới các tác động ở cấp vĩ mô phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình thực thi Hiệp định như việc chuyển dịch lao động, phân bổ dân cư, các thay đổi về thuế, áp lực đối với cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục…

Từ góc độ của doanh nghiệp, yêu cầu đầu tiên đặt ra với mỗi doanh nghiệp là làm sao để hiểu được các cam kết phức tạp của Hiệp định này, biết được những tác động của chúng tới hoạt động kinh doanh của mình, tiếp theo là có các chuẩn bị, điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích hợp để tận dụng các cơ hội, đồng thời đối mặt với các thách thức từ Hiệp định. Đây là thách thức rất lớn, nếu biết rằng các FTA trước đây đơn giản hơn nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.

Nhìn từ tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA đã ký chỉ loanh quanh mức 30%, mà cũng phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể thấy số cơ hội bị bỏ lỡ là rất đáng kể.

VCCI cho rằng, từ góc độ thể chế, để bảo vệ lợi ích của mình trong lâu dài, đặc biệt trên thị trường nội địa trước áp lực thay đổi chính sách, pháp luật theo yêu cầu CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động tham gia sâu và hiệu quả vào quá trình các cơ quan Nhà nước luật hóa các cam kết CPTPP.

Đây là việc mà các doanh nghiệp đơn lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, không thể thực hiện được. Do đó, doanh nghiệp trước hết cần ý thức được tầm quan trọng của công việc này, sau đó là phải liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để vận động và có tiếng nói hiệu quả trong quá trình này.

Vì vậy, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, đơn vị này sẽ tập trung vào 2 nhóm giải pháp: Phổ biến tuyên truyền nội dung cam kết và các tác động tới doanh nghiệp và vận động chính sách về CPTPP.

Theo đó, VCCI sẽ phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức khác trong các hoạt động bao gồm: Rà soát các cam kết CPTPP với hệ thống pháp luật Việt Nam nhìn từ góc độ lợi ích doanh nghiệp Việt Nam. Cũng như đề xuất các biện pháp chính sách thích hợp với các cơ quan có nhiệm vụ nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP của Việt Nam.