CPTPP có hiệu lực, kỳ vọng FDI vào nông nghiệp sẽ tăng
Các chuyên gia hy vọng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, cùng 16 hiệp định thương mại đã ký kết sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn của nông nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong tháng 1/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Các chuyên gia hy vọng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, cùng 16 hiệp định thương mại đã ký kết sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn của nông nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
FDI tăng mạnh
Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tính từ đầu năm đến thời điểm 20/1/2019 có 226 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 805 triệu USD, tăng 36,1% về số dự án và tăng 81,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 72 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 340,3 triệu USD, giảm 25,5%. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt hơn 1,145 tỷ USD, tăng 27,3%.
Trong tháng còn có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 761,9 triệu USD, tăng 114%; trong đó có 72 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 384,91 triệu USD và 417 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 376,97 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 591 triệu USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành vận tải, kho bãi đạt 65,3 triệu USD, chiếm 8,1%.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 59,2 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 89,5 triệu USD, chiếm 11,1%.
Tuy nhiên, FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.
CPTPP vừa có hiệu lực, tạo cơ hội cho hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên được giảm thuế về 0%. Trong đó, nông sản Việt Nam cũng được giảm thuế mạnh như Nhật Bản cho phép 91% thủy sản, 91% đồ gỗ của Việt Nam về mức thuế 0% ngay lập tức. Hay Canada cũng giảm ngay thuế nhập khẩu cho các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam.
Tận dụng cơ hội trên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng đầu tư, thay đổi hướng đầu tư vào Việt Nam. Thay vì làm thức ăn chăn nuôi suốt 10 năm qua tại Việt Nam, Tập đoàn De Heus đến từ Hà Lan vừa bất ngờ đầu tư góp vốn xây dựng một tổ hợp chế biến thịt sạch, phục vụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc châu Á - Tập đoàn De Heus nói: “Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu những sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp như rau, trái cây, thịt cá, trong khi Việt Nam là một nước xuất khẩu rất mạnh, vì vậy, khi vào CPTPP, EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) sẽ giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam”.
Hiện, doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam còn nhỏ lẻ, 70 - 80% là chế biến thô, giá trị thấp. Theo chính các nhà đầu tư, FDI vào nông sản trong thời gian tới sẽ chuyển hướng mạnh vào chế biến vì họ có thế mạnh công nghệ hiện đại. Hay thậm chí có không ít doanh nghiệp sang Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao để xuất khẩu vào chính quốc và nước thứ 3.
Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản nhưng số vốn FDI vào ngành này mới chỉ đạt 1% tổng số vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Đây là một con số khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Các chuyên gia hy vọng, CPTPP cùng 16 hiệp định thương mại đã ký kết sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn của nông nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Nhiều dự án FDI Nhật Bản “xông đất” đầu năm
Trong số 760 triệu USD vốn FDI đăng ký mới và bổ sung thêm đổ vào Việt Nam trong tháng 1/2019, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản chiếm hơn một nửa. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dòng vốn FDI sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2019.
Kyoshin, Katolec Global Logistics và Sews-Components Việt Nam II nằm trong số những cái tên được chú ý trong báo cáo thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài tháng 1/2019.
Chỉ tính riêng tổng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam của 3 nhà đầu tư này đã lên tới 200 triệu USD, chiếm tới hơn một nửa trong tổng số 364 triệu USD vốn FDI (đăng ký mới, tăng thêm và mua cổ phần) mà Nhật Bản rót vào thị trường.
Cụ thể, Công ty TNHH Kyoshin (Việt Nam) tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD nhằm mở rộng nhà xưởng sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu. Katolec Global Logistics Việt Nam đầu tư 65 triệu USD xây dựng kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam. Sews-Components Việt Nam II xây dựng nhà máy tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD.
Chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI
Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận vốn FDI với động cơ chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao.
Do đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI đến năm 2030 trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào tháng 4/2019.
Chính sách thu hút FDI thế hệ mới được hiểu là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước.
Chủ trì Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới chiều 14/2, tại Bình Dương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ nhiều vấn đề đặt ra trong thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn tới nhằm phát triển bền vững đô thị, khuyến khích chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, logistics toàn cầu.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương như TP. Hồ Chí Minh để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”, chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.
Về giải pháp, Phó thủ tướng lưu ý tới việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế được hưởng lợi và các chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước.
“Chính phủ Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. FDI là bộ phận hữu cơ, thành viên tích cực của nền kinh tế và Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp FDI”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/1, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD.
Báo cáo của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc (UNTAD) đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.