Doanh nghiệp chủ động các giải pháp ứng phó với biến động thị trường
Việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đã giúp nhiều doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu thị trường, sản xuất. Song về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động các biện pháp ứng phó.

Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), hiện các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu trước những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, trong khi giá bông liên tục giảm sâu.
Hầu hết các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường. Với ngành may, nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang thương thảo cho quý III/2025.
Tuy nhiên, trong quý I, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động (nếu có của chính sách thuế quan của Mỹ), còn đơn hàng quý II/2025 có xu hướng chững lại vì nghe ngóng các chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump.
Trước diễn biến của chính sách thuế mới, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may đã nhanh chóng cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh và phản hồi từ các khách hàng quốc tế. Trước đó, khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới và kế hoạch áp thuế vào ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam), nhiều khách hàng đã tạm dừng đơn hàng khiến thị trường và tình hình sản xuất chững lại.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin tạm dừng áp dụng thuế được công bố vào 10/4, các khách hàng đã thúc đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II.
Tỉnh Hải Dương có hơn 200 doanh nghiệp FDI lớn hoạt động trong các ngành xuất khẩu chủ lực, sử dụng hàng chục nghìn lao động. Nhiều nhà máy có quy mô lao động lớn như các công ty TNHH May Tinh Lợi, Shints BVT, Giày Ngọc Hưng, Công nghiệp Brother Việt Nam, Hyundai Kefico Việt Nam…
Theo đại diện Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà), mỗi năm doanh nghiệp sản xuất khoảng 1 triệu sản phẩm, trong đó 80 - 90% phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% trong cơ cấu các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp.
Việc Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% với một số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này làm doanh nghiệp lo lắng, bởi đây là mức thuế suất quá cao, kéo theo giá bán cao, giảm lợi thế cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Và để chủ động, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ có sự chuyển dịch thị trường xuất khẩu sang ASEAN và châu Âu nhằm đa dạng hóa thị trường.
Còn theo ông Phạm Đình Họa- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi, trung bình mỗi tháng, Công ty sản xuất khoảng 20 triệu sản phẩm. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Công ty khi chiếm tỷ trọng 35%.
Công ty có 21.000 công nhân, người lao động tại 3 nhà máy. Doanh nghiệp rất chú trọng đến nguồn gốc nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc nguyên, phụ liệu cho sản xuất không khiến doanh nghiệp quá lo lắng khi hiện nay, việc sản xuất của Công ty là chu trình khép kín, nguyên phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải nhập ở nước khác.
Đặc biệt, để có thể giữ vững vị thế cạnh tranh, về lâu dài, doanh nghiệp có những chiến lược phù hợp để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất với việc tăng mức độ tự động hóa, qua đó giảm chi phí sản xuất.
Từ thực tiễn hoạt động, đại diện Tổng Công ty May 10 cho rằng, cần tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi, giãn -hoãn - giảm thuế phí đối với ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may.
Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng các quỹ tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các FTA đã ký; đồng thời đàm phán song phương với Mỹ để tháo gỡ rào cản thuế quan.
Ngoài ra, đẩy mạnh các chương trình kết nối doanh nghiệp với hệ thống phân phối toàn cầu, hỗ trợ xúc tiến ở các thị trường tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ…/.