Doanh nghiệp Đà Nẵng cố gắng xoay xở giữa muôn vàn khó khăn thời điểm cuối năm


Lãi suất vay tăng cao, cùng với thiếu hụt đơn hàng đang gây áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Đà Nẵng trong những tháng cuối năm, khi vừa phải tập trung phục vụ cho thị trường cuối năm, vừa chuẩn bị tìm kiếm cho kế hoạch sản xuất trong năm mới.

Doanh nghiệp Đà Nẵng đang cố gắng xoay xở giữa muôn trùng khó khăn. Ảnh: Thành Vân
Doanh nghiệp Đà Nẵng đang cố gắng xoay xở giữa muôn trùng khó khăn. Ảnh: Thành Vân

Đơn hàng tụt giảm

Cuối năm là mùa tăng tốc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khác với mọi năm, cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn do các yếu tố bất lợi từ: Lạm phát tăng cao, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, thiếu hụt nguồn vốn, đặc biệt là thiếu hụt đơn hàng.

Là một trong những doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn, song Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức do tác động của các yếu tố chính trị, tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Điều này đã ảnh hưởng đến đơn hàng của tổng công ty trong các tháng cuối năm 2022 và dự kiến trong năm 2023.  

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy Sản) cho rằng, với thị trường xuất khẩu chính là Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… nhưng với những khó khăn hiện nay đã khiến đơn hàng của công ty bị giảm sút. "Trước mắt, doanh nghiệp cũng có những giải pháp để duy trì sản xuất trong dịp cuối năm và đầu năm 2023, đặc biệt là tìm kiếm các đơn hàng mới, mở rộng thị trường…", ông Lĩnh chia sẻ.

Tương tự, Nhà máy giấy bao bì Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh) chuyên sản xuất giấy và bao bì carton; các đối tác chính của nhà máy là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy sản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, thiếu hụt nguyên vật liệu… khiến sản lượng nhà máy giảm sút.

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Nhà máy giấy bao bì Tân Long cho biết, thời gian qua, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu bị ảnh hưởng, nhu cầu thị trường giảm dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhà máy giảm sản lượng tiêu thụ.

"Tuy nhiên, trong 10 tháng giảm, công ty đã chủ động đi tìm khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ và đã có kết quả khả quan. Dù chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm nhưng nhà máy đã có được một vài đơn hàng lớn giúp tăng đến 30% doanh thu", ông Thống cho biết. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, các doanh nghiệp trong nước nói chung và Daiwa nói riêng bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao, tình hình chính trị bất ổn… Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn bảo đảm kế hoạch sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động.

"Từ nay đến cuối năm, các đơn hàng của công ty vẫn bình thương, tuy nhiên, trong quý I/2023, đơn hàng sụt giảm khoảng 20%. Trước tình hình khó khăn cho thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, công ty sẽ tăng cường liên hệ với các đối tác, các đại lý để xúc tiến thêm đơn hàng trong thời gian tới", ông Phu cho hay.

Kết nối để tìm kiếm thị trường mới

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, qua khảo soát, quý 3/2022 tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Đà Nẵng ổn định. Tuy nhiên, riêng khu công nghiệp Dịch vụ Thuỷ sản có khoảng 30% doanh nghiệp gặp khó khăn do đặc thù ngành thuỷ sản, thiếu nguyên vật liệu.

Dự kiến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 4/2022, có khoảng 32% số doanh nghiệp hoạt động tốt, 75% số doanh nghiệp hoạt động ổn định, 7% số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do nguồn nguyên liệu, ít đơn hàng. Riêng đối với khu công nghiệp Dịch vụ Thuỷ sản tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2022 phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu.

"Trong thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất", ông Tỵ nói.

Để ổn định sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, Sở tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp ở Đà Nẵng.

"Sở sẽ phối hợp với đầu mối Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác có hiệu quả các thị trường Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP) và các thị trường tiềm năng, thị trường mới tại các khu vực châu Phi, Nam Mỹ, Tây Á - Trung Đông...", bà Mai thông tin.

Nhận định về sức cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy chậm lại nhưng chưa giảm mạnh. Bởi, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới vẫn sẽ gia tăng dịp cuối năm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng chung dự báo này.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, những tháng cuối năm Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới…

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng  kim  ngạch  xuất,  nhập  khẩu  hàng hóa của Đà Nẵng ước đạt  2.924,5 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 1.703,9 triệu USD, tăng 17,4%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.220,6 triệu USD, tăng 12,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu ở mức 483,2 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2021.