Doanh nghiệp Đà Nẵng kỳ vọng hồi phục trở lại trong quý IV

Theo Thành Vân/nhadautu.vn

Chỉ còn 3 tháng nữa là sẽ kết thúc năm 2021, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn kỳ vọng sự hồi phục, tăng trưởng trong thời gian tới với những động thái hỗ trợ từ phía thành phố.

Doanh nghiệp Đà Nẵng kỳ vọng hồi phục kinh tế trở lại trong quý IV. Ảnh: Thành Vân.
Doanh nghiệp Đà Nẵng kỳ vọng hồi phục kinh tế trở lại trong quý IV. Ảnh: Thành Vân.

Kinh tế giảm sâu

Thông tin từ Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III/2021 ước giảm 13,57% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 19,05% so với quý trước. Riêng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm sâu so với quý II và cùng kỳ năm 2020 với mức giảm lần lượt là 23,5% và 18,8%, mức giảm quý kỉ lục từ trước đến nay.

Nguyên nhân của việc tụt giảm sâu này được cho là bởi sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng chịu tác động lớn của dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 5/2021. Riêng quý III/2021 rơi toàn bộ vào khung thời gian TP. Đà Nẵng thực hiện cao điểm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất chỉ được hoạt động với tối đa 50% số lao động, trong cao điểm từ 16/8 – 5/9 doanh nghiệp phải hoạt động “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tạm dừng hoạt động.

Từ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chung của TP. Đà Nẵng 9 tháng năm 2021 tăng trưởng âm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5%. 

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động chất lượng cao. Đại diện Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Đặc biệt là vấn đề về tuyển dụng nhận sự chất lượng cao, điều chuyển nhân sự, chuyên gia đến với Đà Nẵng hết sức khó khăn.

Tương tự, ông Ikeda Naoatsu Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết, hiện nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn thành phố như: suy giảm lợi nhuận, sự ra đi của đối tác và thu nhập của lao động giảm sút.

“Các doanh nghiệp Nhật đang gặp khó trong việc di chuyển, nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, từ đó các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong việc sản xuất vì không có chuyên gia sửa chữa, láp ráp, vận hành. Do đó, đề xuất thành phố cho phép người tiêm đủ vaccine được đi làm trở lại và việc nhập cảnh, đi lại và cách ly đối với chuyên gia cũng phải rút ngắn thời gian”, ông Ikeda Naoatsu cho hay. 

Kỳ vọng hồi phục trở lại

Hiện nay, Đà Nẵng đang nỗ lực tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19 và tình hình dịch COVID-19 đã được khống chế, thành phố đang dần hoạt động trở lại theo trạng thái “bình thường mới”.

Cùng với đó, Đà Nẵng đang có kế hoạch ban hành thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể: Hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ 30% lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian ba tháng (từ tháng 10 đến tháng 12/2021) cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao...

Từ những hành động trên sẽ "tiếp sức" cho doanh nghiệp Đà Nẵng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp Đà Nẵng đều kỳ vọng vào sự phục hồi sản xuất của quý IV/2021, rút ngắn việc hoàn thành mục tiêu sản xuất của năm 2021.

Theo khảo sát của Cục Thống kê Đà Nẵng từ kết quả điều tra Xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có tới 89,2% doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2021 sẽ tốt hơn hoặc sẽ ổn định hơn so với quý III/2021.

Đại diện EuroCham cho biết, khi nhận được kế hoạch thành phố sẽ mở cửa trở lại và nỗ lực của chính quyền trong việc tiêm phủ vaccine, bao gồm cho cả người nước ngoài sống và làm việc tại thành phố, đã tạo động lực và truyền cảm hứng rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tương tự, đại diện Công ty CP Dệt may 29/3 chia sẻ, doanh nghiệp sẽ khôi phục lại 100% lao động và tăng tốc cho các đơn hàng cuối năm để dù không đạt mục tiêu sản xuất của năm cũng sẽ kéo gần được so với mục tiêu.