Doanh nghiệp địa ốc chạy đua đón chính sách mới

Theo Baodautu.vn

(Taichinh) - Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh quý II đã khép lại với một kỷ lục mới về thanh khoản được thiết lập. Phân tích của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, thị trường càng lúc càng thể hiện được xu hướng phát triển bền vững. Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì và phát triển tích cực hơn trong thời gian tới nhờ nhiều chính sách mới đi vào cuộc sống.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Căn hộ cao cấp “lên ngôi”

Báo cáo về thị trường bất động sản TP. HCM quý II do Công ty CBRE Việt Nam công bố cuối tuần qua cho biết, nếu như ở đầu năm vẫn còn những hoài nghi về việc phục hồi của thị trường, thì hiện nay, bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản đã trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là với thị trường căn hộ đã thể hiện sự phục hồi một cách bền vững.

Điều này đã được chứng minh với lượng tiêu thụ căn hộ trong quý II/2015 đạt hơn 10.000 căn, gồm cả dự án mới và đã chào bán trước đó, đánh dấu một kỷ lục mới về thanh khoản theo quý từ nhiều năm qua.

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam, có một thay đổi thú vị là trong giai đoạn 2012-2013, tỷ lệ giao dịch thành công chủ yếu từ phân khúc bình dân, thì trong thời gian gần đây đã chuyển dịch sang phân khúc cao cấp. Trong quý II/2015, phân khúc cao cấp ghi nhận mức tiêu thụ khoảng 5.800 căn hộ, trong khi chỉ có khoảng 2.800 căn hộ được bán trong phân khúc bình dân.

Cũng theo CBRE, quý II/2015 được ghi nhận là quý có số căn hộ cao cấp mở bán theo quý đứng thứ nhì trong lịch sử thị trường TP. HCM với 4.500 căn, đa số nằm ở khu Đông Sài Gòn, như Estella Heights (giai đoạn 2 của Dự án The Estella), Tháp 2 của Dự án The Sun Avenue, The Krista (giai đoạn 2 của Dự án PARC Spring), Vista Verde - Tòa tháp Lotus, Gateway Thảo Điền, Khu căn hộ Sarimi thuộc Khu đô thị Sala Thủ Thiêm và các tòa Landmark 1, 2, 4, 5 thuộc Dự án Vinhomes Central Park.

Không chỉ dừng lại ở số căn hộ chào bán mới, hầu hết các dự án cao cấp đã tăng giá bán trong giai đoạn/lần mở bán sau, giá sơ cấp trên thị trường căn hộ cao cấp tăng nhẹ 3,2% so với quý trước, đạt 1.781 USD/m2.

“Với mức tiêu thụ ấn tượng như hiện nay và mức giá được cải thiện trong nửa đầu năm 2015, chúng tôi có thể khẳng định, giai đoạn khó khăn đã qua. Thị trường khó mà quay lại thời kỳ bong bóng như năm 2007, khi mà người mua phải xếp hàng để mua căn hộ và dễ dàng bán lại trong một đêm. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường đang phát triển bền vững và người mua ngày càng vững tin hơn vào thị trường, điều mà bất động sản Việt Nam đã không có được trong chu kỳ phát triển trước. Thị trường cổ phiếu, giá vàng, tỷ giá, lãi suất... đã tạo điều kiện cho thị trường bất động sản lần đầu tiên trở thành một sân chơi hấp dẫn trong 7 năm qua, thu hút nhiều gia đình Việt Nam đến mua căn hộ, đặc biệt là những căn diện tích nhỏ và các sản phẩm mới”, ông Marc Townsend nhận định.

Chạy đua đón chính sách

Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, dù thị trường quý II có một sự đột phá và là cơ sở để tin tưởng thị trường có khả năng sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh, nhưng tác động của mốc sự kiện ngày 1/7/2015, thời điểm 2 sắc luật là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực vẫn còn phải chờ đợi.

Theo phân tích của CBRE, tác động của 2 sắc luật trên sẽ đưa bất động sản Việt Nam lên một bước mới trong việc tiếp cận với nguồn đầu tư nước ngoài. Không chỉ mở rộng cho thị trường bất động sản, Chính phủ cũng vừa ký ban hành Nghị định 60, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng thuộc các ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc kinh doanh có điều kiện, hoặc theo các cam kết mở cửa. Tuy nhiên, các chính sách này sẽ không có tác động tức thì, bởi nhà đầu tư nước ngoài luôn theo dõi thị trường một cách cẩn thận.

Người mua nước ngoài sẽ quan sát và tiến hành giao dịch chỉ khi thị trường thực sự hồi phục. Động thái “chờ và xem” sẽ phổ biến trước khi có một quyết định mua bán cụ thể nào.

“Các sắc luật mới bắt đầu có hiệu lực, nhất là quy định mở rộng sở hữu nhà ở dành cho người nước ngoài là thông tin tốt cho thị trường. Trong suốt 15 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường phàn nàn về sự không công bằng trong thị trường bất động sản Việt Nam, còn bây giờ, với sự thay đổi này, chúng ta sẽ xem liệu họ có thực sự muốn nắm bắt cơ hội, có thực sự vui với luật mới, hay vẫn băn khoăn về cách chuyển tiền vào và ra. Để thuyết phục nhóm đối tượng này, ngoài luật pháp rõ ràng và hệ thống ngân hàng tốt hơn, yếu tố chính cần phải tập trung là con người, sản phẩm và thời điểm bán hàng”, ông Marc Townsend khuyến nghị.

Dù giới chuyên môn vẫn còn cái nhìn thận trọng về xu hướng thị trường trong quý III và thời gian tới, cũng như khả năng thực thi các sắc luật mới, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, các doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị kỹ để thực thi và đón đầu chính sách, dù các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

Đơn cử, cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay với các ngân hàng trong việc ký kết hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Ngày 3/7, Hưng Thịnh Corp đã ký kết hợp tác bảo lãnh dự án với 5 ngân hàng là VietBank, SCB, Sacombank, VietinBank và BIDV nhằm cam kết bảo lãnh cho người mua nhà đối với các dự án do Hưng Thịnh đang triển khai.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp cho biết, việc ký kết hợp tác bảo lãnh với ngân hàng không chỉ giúp đảm bảo tuyệt đối quyền lợi cho người mua nhà, mà còn góp phần tăng thêm niềm tin đối với khách hàng và các nhà đầu tư, đồng thời giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp được ngân hàng ký kết bảo lãnh dự án còn giúp khẳng định thêm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường bất động sản. Bởi khi quyết định bảo lãnh, ngân hàng đã phải thẩm định rất kỹ uy tín và năng lực của doanh nghiệp, cũng như tính thanh khoản các dự án của đơn vị mà mình bảo lãnh.

Tương tự, cũng trong tuần qua, CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền đã ký kết với Eximbank về việc hợp tác bảo lãnh, cam kết thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà tại các dự án do Khang Điền làm chủ đầu tư. Trước đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc khác như Novaland, Sacomreal… cũng đã chính thức bắt tay với các ngân hàng để bảo lãnh các dự án.

Không chỉ chạy đua việc thực hiện các quy định mới, dịp này, nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam cũng tung ra nhiều chương trình kinh doanh nhằm đón chính sách mới. Đơn cử, mới đây, Tập đoàn Novaland tung ra chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón kiều bào và người nước ngoài” với những ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, tặng gói cam kết cho thuê tương đương 8% trong năm đầu tiên và gói dịch vụ hỗ trợ quản lý trong giai đoạn hoàn thiện nội thất, đặc biệt, cam kết hoàn tiền mua nhà cộng lãi suất phát sinh nếu trong vòng 1 tháng từ thời điểm giao nhà nếu khách hàng chưa hài lòng về sản phẩm.

Chương trình được bắt đầu từ ngày 1/7 đối với 100 căn hộ đầu tiên của 4 dự án do Novaland đầu tư và phát triển là Dự án The Sun Avenue (quận 2), The Botanica (quận Tân Bình), Lucky Palace (quận 6), Sunrise City View (quận 7).

Theo ông Chaw Chee Fan, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng, chủ đầu tư Dự án Celadoncity (quận Tân Phú), trong tuần này, Dự án Celadoncity Block C sẽ chính thức được chào bán ra thị trường với nhiều chính sách mới dành cho người nước ngoài.

“Ngay trong tuần này, sẽ có một đoàn khách từ Malaysia đến tham quan và tìm hiểu Dự án Celadoncity”, ông Chaw Chee Fan nói và cho biết, rất kỳ vọng vào các chính sách mới sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản Việt Nam sắp tới.