Doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều và đóng góp khá lớn vào tăng trưởng kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp FDI đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, nên có lợi thế nhiều hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Ngược lại cũng có những ý kiến cho rằng trên thực tế, doanh nghiệp trong nước thua thiệt do bản thân chưa có đủ tiềm lực và nỗ lực để vươn lên. Nguyên Trưởng ban Pháp chế phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Hữu Huỳnh đã chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

Doanh nghiệp FDI có tiềm lực rất mạnh về vốn và công nghệ. Nguồn: internet
Doanh nghiệp FDI có tiềm lực rất mạnh về vốn và công nghệ. Nguồn: internet

Phóng viên: Theo ông, hiện tại có chính sách phân biệt đối xử nào theo hướng ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài không?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Theo tôi, xét về lịch sử thu hút đầu tư FDI không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Căn cứ Hiến pháp năm 1992, chúng ta thấy Điều 19 của Hiến pháp quy định kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể là nền kinh tế chủ đạo, tạo nền tảng cơ bản của nền kinh tế quốc dân. Khi đó quy định về vốn đầu tư nước ngoài thì chỉ có 3 điểm: Một là, khuyến khích tổ chức và cá nhân đầu tư vào Việt Nam; Thứ hai, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với cung cấp vốn, tài sản và quyền lợi cho các nhà đầu tư; Thứ ba, các doanh nghiệp FDI không bị quốc hữu hóa.

Theo Hiến pháp năm 1992, các quy định như thế này cũng áp dụng cho các thành phần kinh tế khác. Đối với Hiến pháp mới năm 2013, chúng tôi thấy có một bước tiến là quy định chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, kinh doanh và các thành phần kinh tế đều là các bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Từ đó cho phép chúng ta kết luận là không có việc phân biệt đối xử theo hướng ưu tiên đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Thưa ông, phải chăng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do chúng ta phải thu hút, mời gọi cho nên phải có những ưu đãi còn các doanh nghiệp trong nước thì phải tự tìm cách mà phát triển?

Về mặt chính sách, chúng ta không có phân biệt và cũng không có ý bỏ rơi những doanh nghiệp trong nước mà kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, chẳng qua trong quá trình thực hiện có bất cập. Còn về luật, chúng ta có một Luật Đầu tư chung và các vấn đề về ưu đãi thì nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng thống nhất chung. Thứ hai, về Luật Doanh nghiệp, chúng ta có một luật chung. Hiến pháp đã quy định rất rõ rằng không có sự phân biệt đối xử và mọi thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thấy không phải chúng ta ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài quá mức, mà chúng ta chưa chú ý đúng mức đến việc thu hút đầu tư ở trong nước và thực hiện chưa tốt vai trò thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ phát triển. Cho nên mới có tình trạng là các doanh nghiệp Việt Nam ra đời nhưng phần lớn các doanh nghiệp đó đều không lớn lên được.

Trong báo cáo gần đây của nhóm Fulbright chỉ ra một điều doanh nghiệp FDI sống được và sống khỏe vì có ưu đãi, còn các thành phần doanh nghiệp còn lại  đều gặp khó khăn. ông có bình luận gì về báo cáo của nhóm nghiên cứu này?

Các số liệu cho thấy nhận định như vậy là khá chính xác. Rõ ràng, trong quá trình hoạt động thì khối doanh nghiệp nhà nước- là động lực chúng ta kỳ vọng sẽ kích hoạt được nền kinh tế nhưng thực tế không phát huy được tác dụng mà càng ngày càng thấy rằng, khả năng chủ đạo về năng suất, chất lượng và hiệu quả như một đầu tầu là chưa làm được. Tuy nhiên, Nhà nước đã nhận ra được điều này, nên chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp, tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng...

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp FDI có tiềm lực rất mạnh về vốn và công nghệ, cộng vào đó họ được hưởng rất nhiều ưu đãi của chúng ta làm họ càng mạnh thêm. Còn các doanh nghiệp trong nước thì chưa được quan tâm, chưa được dành nhiều ưu đãi  nên lại càng yếu đi?

Theo tôi, phải thảo luận kỹ hơn ở chỗ không phải doanh nghiệp FDI mạnh lên mà thực chất là do nền kinh tế của chúng ta đang yếu. Một nền kinh tế thu hút đầu tư mạnh phải là một nền kinh tế có các nhà đầu tư chiến lược, lâu dài, những tập đoàn trong đó ba mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong những ngày đầu tiên đất nước mở cửa. Chúng ta đã đạt được mục tiêu nhất định trong thu hút vốn đầu tư.

Thứ hai là chuyển giao công nghệ, chúng ta không đạt được nên thu hút vốn đầu tư vẫn là gia công, vẫn dựa vào chi phí lao động thấp, giảm thiểu các xử lý ô nhiễm môi trường, quan hệ lao động hiện nay chưa tốt. Hay như những vấn đề về thực hiện nghĩa vụ ngân sách về thuế và những giả định về chuyển giá và quản trị doanh nghiệp chúng ta vẫn chưa làm được bao nhiêu.

Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn là do chính những yếu kém nội tại của doanh nghiệp. ông nhìn nhận thế nào qua sự tiếp xúc, theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp trong nước?

Theo tôi nhận định đó không sai. Doanh nghiệp của chúng ta vừa nhỏ về quy mô, vừa yếu về quản trị. Doanh nghiệp dân doanh đông nhưng hạn chế nên họ phải nỗ lực rất nhiều. Nếu nhìn vào thực chất thì vốn ít, nguồn lực lao động thấp, doanh nghiệp yếu, phần lớn là hoạt động manh mún nhỏ lẻ nên khả năng thu hút vốn đầu tư phát triển trong tương lai đang rất chậm. Sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu là cái yếu của các doanh nghiệp trong nước và rõ ràng như vậy sắp tới chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa để cải thiện.

Theo ông, cần phải có những chính sách hỗ trợ phù hợp như thế nào để doanh nghiệp trong nước mạnh lên?

Theo tôi, chính sách đầu tiên, một mặt là chúng ta cần phải tái cơ cấu lại các thành phần kinh tế, đặc biệt là phải làm mạnh khối doanh nghiệp nhà nước, để thực sự khối doanh nghiệp nhà nước không chỉ giữ vai trò tiên phong, kinh tế nhà nước làm chủ đạo, nhưng không phải doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo. Nhà nước độc quyền trong một số lĩnh vực nhưng không phải là doanh nghiệp nhà nước độc quyền trong một số lĩnh vực đó. Thứ hai,  tiếp tục mở rộng hội nhập kinh tế, bởi có tiếp tục mở rộng hội nhập kinh tế mới tạo điều kiện về không gian để doanh nghiệp và các nhà đầu tư phát triển được. Điểm thứ ba là bảo đảm được mối liên kết để lần này chúng ta cố gắng thu hút những đầu tư có chất lượng cao, những nhà đầu tư thực sự đầu tư vào Việt Nam với công nghệ cao, tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về lao động, về tính minh bạch và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của các nhà đầu tư đối với các nước tiếp nhận đầu tư.

Các doanh nghiệp trong nước cố gắng để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao khả năng liên kết với nhau. Muốn làm được thì không chỉ đơn thuần là kinh tế mà ở đây chúng ta phải vượt qua cái gọi là văn hóa thiếu tính liên kết mà như chúng ta hay phê phán là người Việt tính liên kết không cao.

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã thay đổi trong việc thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao, có nguồn vốn mạnh và đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo. Vậy tại sao sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại yếu?

Rõ ràng trước đây chúng ta xây dựng khung pháp luật theo các thành phần kinh tế. Chúng ta có Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp dân doanh và Luật cho nhà đầu tư nước ngoài. Còn về chính sách đầu tư, chúng ta có một sự phân biệt trong quá trình thực thi. Chính vì chính sách như vậy cho nên khiến cho 3 thành phần kinh tế này hoạt động theo 3 mảng rời rạc nhau.

Chúng tôi cho đây là một kinh nghiệm chúng ta đã rút ra được và có Luật Doanh nghiệp chung, Luật Đầu tư chung và những chính sách chung, nghĩa là đã có những nhất quán. Cùng với những chính sách của chúng ta trong các hiệp định quốc tế, các hiệp định đầu tư, chúng tôi thấy vấn đề còn lại là khung pháp luật phải giảm thiểu phân biệt đối xử.

Trên cơ sở như vậy, vấn đề như tôi nói là các thành phần kinh tế nhìn thấy được không còn phân biệt đối xử và việc áp dụng pháp luật trên cơ sở cạnh tranh, theo quy luật của thị trường, giảm thiểu can thiệp của Nhà nước để các nhóm lợi ích không được vận động chính sách theo hướng có lợi cho mình. Lúc bấy giờ, nhìn vào đấy, người ta chỉ nhìn thấy có sự cạnh tranh và giảm thiểu áp lực hành chính một cách thái quá vào thị trường và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường theo minh bạch, công khai và dễ hiểu. Trên một môi trường pháp luật kinh doanh như vậy, không có phân biệt đối xử, tôi nghĩ rằng khả năng liên kết sẽ lớn hơn nhiều.

Xin cám ơn ông!