Doanh nghiệp FDI: Những gam màu sáng, tối
(Tài chính) Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đằng sau đó, các DN này cũng để nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại như lãi thực lỗ giả, chuyển giá, bỏ trốn....
Đóng góp to
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI tăng liên tục trong 3 năm qua và năm 2013 dù kinh tế Việt Nam và thế giới rất khó khăn, nhưng chúng ta đạt được kết quả rất khả quan trong thu hút FDI. Cụ thể, thu hút FDI của Việt Nam năm 2013 đạt gần 22 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 54% so với năm 2012; vốn giải ngân đạt cao, lên đến 11,5 tỷ USD.
Về những đóng góp của khối DN FDI, số liệu thống kế cho thấy, đến nay, khu vực DN FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với mức đóng góp khoảng 20% GDP, khoảng 45% sản lượng công nghiệp và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm.
Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của các DN FDI tại Việt Nam đạt 80,91 tỷ USD (chưa tính dầu thô), tăng 26,3% so với năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm các DN FDI đạt 74,23 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả năm 2013 thì tổng giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa mà các DN FDI mang lại là 155,14 tỷ đồng, chiếm tới 58,8% tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước (264,261 tỷ đồng) trong đó xuất khẩu chiếm 61,2% và nhập khẩu chiếm 56,3%.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, các DN FDI đã tạo ra nhiều làm việc với mức lương bình quân khá cao. Các DN FDI phần nào đã đóng góp vào việc đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị trong các DN Việt Nam và tạo ra sự cạnh tranh giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài. Sự đóng góp đó là rất tích cực và cần thiết cho sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, bên cạnh những đóng góp trên, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, đóng góp cho thu ngân sách thấp, kèm theo đó các các chiêu bài báo lỗ, chuyển giá…
Nỗi lo lớn
Liên tiếp báo lỗ
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra việc thu ngân sách tại khu chế xuất và các DN chế xuất ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Theo Kết luận số 2053/KL-TTCP ngày 10/9/2013 có 125/399 DN báo lỗ trong nhiều năm với số tiền lên đến vài nghìn tỷ đồng, trong khi các DN này vẫn tăng trưởng doanh thu và mở rộng đầu tư.
Đáng chú ý là có 36 DN hạch toán lỗ liên tiếp trong 3 năm liền với số lỗ lũy kế 2.858,6 tỷ đồng, 17% DN khác lỗ 2 năm liên tiếp với 1.829,8 tỷ đồng. Điển hình các DN báo lỗ 3 năm liền là: Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam lỗ 777,67 tỷ đồng; Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia lỗ 430 tỷ; Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam lỗ 300 tỷ đồng…
Với việc báo cáo lỗ như vậy, đa phần các DN này sẽ không phải đóng thuế, bên cạnh đó lợi dụng những kẽ hở trong những quy định dành cho DN FDI để đề nghị hoàn thuế… Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất một khoản thu không nhỏ.
Chiêu bài chuyển giá
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, có hiện tượng DN FDI "lỗ giả, lãi thật", chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết với nước ngoài.
Các kiểu chuyển giá của DN FDI thường làm tại Việt Nam về cơ bản theo nguyên lý: “phù phép” cho giá thành sản xuất cao, hoặc giá bán thấp để giả lỗ, trốn thuế.
các DN này thường liên kết hoặc thành lập những công ty con cung cấp nguyên liệu đầu vào, qua đó đẩy giá sản phẩm hay giá đầu vào qua các công ty chân rết này.
Cùng với công ty mẹ, các công ty con sẽ tạo ra những “vòng tròn ma thuật”, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đều theo những vòng tròn ấy được biến hóa về số liệu kế toán. Bởi thế mà có những DN lỗ triền miên nhưng họ vẫn hoạt động bình thường, biết lỗ mà vẫn làm, lỗ mà vẫn không ngừng mở rộng nhà máy, tăng cường sản xuất...
Vắng chủ, bỏ trốn
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có hàng trăm dự án ở các địa phương mà chủ đầu tư không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được; thậm chí có trường hợp đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Thống kê của các địa phương cho thấy, tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2009 đến nay, tại các khu công nghiệp ở đây đã có 10 chủ DN FDI bỏ trốn. Hậu quả là trên 2.800 công nhân lao động bị mất việc làm và bị chủ nợ lương trong nhiều tháng. Các DN này đã để lại một khoản nợ lớn, trong đó nợ lương của công nhân là 3,8 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội là 4,7 tỉ đồng và các khoản nợ khác là 4,1 tỉ đồng.
Tại tỉnh Đồng Nai có đến 42 DN FDI vắng chủ mà thực chất là bỏ trốn, nhiều DN lặng lẽ đóng cửa, chỉ đến khi công nhân kiện tụng đòi lương, vụ việc mới vỡ lở, chủ DN đã biến mất. Nợ bảo hiểm xã hội của các DN này cũng lên đến nhiều tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Đồng Nai chưa thể thu hồi được khoản nợ bảo hiểm xã hội nào từ các DN này vì đất đai, nhà xưởng đều đi thuê. Tài sản DN cũng đã thế chấp cho ngân hàng…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nhiều DN FDI làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản nhưng nguyên nhân khác là do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý, giải thể DN theo quy định của pháp luật Việt Nam còn phức tạp, mất thời gian và tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư tự bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục để chấm dứt hoạt động DN.
Thực tế này dẫn đến nhiều thiệt hại cho người lao động, đối tác trong nước và thất thu thuế nhà nước…
Rút bớt ưu đãi?
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, DN Việt Nam đang “thua” DN FDI trên nhiều lĩnh vực. Theo Bộ Công thương, DN FDI không chỉ dẫn dắt xuất khẩu những mặt hàng về công nghệ (điện thoại, linh kiện điện tử…) mà còn có xu hướng chiếm lĩnh các mặt hàng khác vốn được coi là ưu thế của DN nội.
Chẳng hạn, năm 2013, DN FDI xuất khẩu được 4,6/6 tỷ USD trong lĩnh vực giày dép, gần 7,8/13 tỷ USD dệt may; 1,6/2,6 tỷ USD sản phẩm gỗ... Đặc biệt, nhóm hàng nông, thủy sản, DN FDI cũng đang lấn sân mạnh mẽ trong sản xuất và xuất nhập khẩu như: Cà phê 0,67/2,2 tỷ USD; thủy sản 0,4/4,6 tỷ USD; hạt tiêu 251/748 triệu USD...
Điều này cũng có nghĩa DN nội có khả năng bị thu hẹp dần vùng nguyên phụ liệu, thậm chí bị DN FDI thâu tóm.
Thị phần xuất khẩu của các DN trong và ngoài nước (%)
Để khuyến khích đầu tư trong nước, hỗ trợ DN nội, nhiều ý kiến cho rằng nên rút bớt các ưu đãi với DN FDI. Trao đổi về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội DN vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, biện pháp hay không phải là tìm cách hạn chế hoạt động của DN FDI, mà phải có giải pháp đồng bộ về thể chế, tài chính, tín dụng... theo hướng hỗ trợ DN trong nước nhanh chóng vượt qua trạng thái trì trệ. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách khuyến khích mở rộng mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, công tác thu hút vốn FDI của nước ta còn bộc lộ nhiều lỏng lẻo, không hợp lý. Chính vì thế, trong những năm tới, việc thu hút nguồn vốn này phải có những điều kiện một cách rõ ràng. Nghĩa là, nếu các DN FDI không chuyển giao công nghệ tối tân hiện đại thì không được hưởng ưu đãi.
Về vấn đề này, gần đây Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: "Giai đoạn đầu mở cửa, chúng ta trải thảm đỏ chào đón những giờ thì không. Chúng ta chỉ ưu đãi những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, nói cách khác là vẫn phải ưu đãi nhưng ưu đãi sao cho hợp lý, tạo ra lợi ích cho quốc gia và lợi ích cho cả DN".