Doanh nghiệp gỗ cần "chắt chiu", tận dụng từng đơn hàng


Kế hoạch xuất khẩu gỗ đang bước vào những tháng cuối năm với nhiều thách thức bủa vây, khi mục tiêu tăng trưởng đề ra còn khá xa, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ cần phải năng động hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường mới, cũng như "chắt chiu", tận dụng từng đơn hàng dù nhỏ nhất…

Ngành gỗ đối diện với nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2023. Ảnh TL
Ngành gỗ đối diện với nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2023. Ảnh TL

Thách thức bủa vây... 

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là những mặt hàng thuộc top đầu mang về giá trị xuất khẩu cao trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, giá trị xuất khẩu ngành hàng này đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước. Dù vào những tháng cuối năm, tình hình có khởi sắc hơn, nhất là tại các thị trường trọng điểm, song nhìn chung, xuất khẩu gỗ vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đơn hàng xuất khẩu gỗ ở một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Liên minh châu Âu (hiện chiếm khoảng 60% nguồn tiêu thị sản phẩm gỗ của Việt Nam) gần đây đã tăng trở lại sau nhiều tháng giảm liên tục.  Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường “khó tính”, việc xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng gặp phải nhiều thách thức về yêu cầu chất lượng, nguồn gốc, tiêu chuẩn...  

Trong khi đó, đa số các DN chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực để xây dựng thương hiệu, kênh phân phối sản phẩm gỗ và lâm sản trực tiếp tại thị trường EU mà phải thông qua kênh phân phối của các DN nước ngoài, điều này cản trở việc chủ động, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng tại thị trường EU. Chưa kể, các DN cũng gặp khó khi EU bổ sung thêm một số quy định mới về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU tác động đến DN Việt Nam trong đó có ngành gỗ và Luật Chống phá rừng của EU.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 9,69 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường này chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, trong đó lớn nhất là thị trường Mỹ.

Không chỉ khó khăn trong việc thiếu vắng đơn hàng, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, ngành gỗ còn đối diện với nhiều vướng mắc trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng, khi cho đến nay kết quả hoàn thuế bị chậm của các DN ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, thương mại gỗ còn đang chịu những thách thức rất lớn từ nguồn cung sợi gỗ. Đơn cử, thương mại gỗ toàn cầu tăng cả về khối lượng và giá trị, làm gia tăng áp lực lên cung ứng nguyên liệu sợi; diện tích rừng giảm làm đe dọa nguồn cung ứng sợi gỗ... “Việc đảm bảo nguồn cung cũng tác động rất lớn đến việc định hướng xuất khẩu ngành gỗ, bởi đây là chuỗi cung ứng, không thể tách rời”- ông Hoài cho biết.

Tìm kiếm thị trường, gắn với đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu

Là địa phương có thế mạnh về xuất khẩu gỗ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bình Dương cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh đạt khoảng 4 tỷ USD; giảm gần 20% so cùng kỳ. 

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, từ một ngành là điểm sáng của tỉnh về kim ngạch xuất khẩu, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng. Nhiều DN giảm đơn hàng, phải giảm quy mô sản xuất, giảm lao động...

Trước những thách thức này, ngành gỗ tỉnh Bình Dương tận dụng các cơ hội xúc tiến thương mại, giao thương bằng cách tổ chức hội chợ, tham gia các hội chợ nước ngoài. Đồng thời tận dụng những thị trường mà lâu nay ngành gỗ bỏ trống như thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, “nguồn cầu này cũng chỉ đủ để DN chống chịu trong ngắn hạn, không bền vững” - ông Liêm nhấn mạnh.

Từ câu chuyện của Bình Dương đến thực trạng xuất khẩu gỗ của cả nước nói chung, các ý kiến cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản, đặc biệt là tới các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về đảm bảm gỗ hợp pháp Việt Nam, gồm: sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NNPTNT quy định về Quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và xây dựng.

Vấn đề xúc tiến thương mại và quảng bá cũng được giới chuyên gia quan tâm và đề xuất hỗ trợ các DN tổ chức hoặc tham gia các hội trợ giới thiệu sản phẩm gỗ nhằm thu hút các DN đến từ EU; tạo điều kiện cho các DN Việt Nam phát triển thương hiệu, kênh phân phối sản phẩm tại các thị trường trọng điểm. 

Ông Hoài đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, chính sách quy định về xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản của thị trường này; đồng thời hỗ trợ DN đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá về ngành gỗ, giúp các DN Việt trực tiếp kết nối với thị trường các nước... 

Trước những thách thức đặt ra cho xuất khẩu gỗ, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho biết, Bộ NNPTNT luôn đồng hành cùng với các Hiệp hội và DN để vượt qua các khó khăn, thúc đẩy ngành chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu.

Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 (17 tỷ USD) và các năm tiếp theo; rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, phát triển gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước có chứng chỉ quản lý rừng bền vững...

“Các DN, cơ sở chế biến gỗ và xuất nhập khẩu lâm sản cần tiếp tục duy trì sự năng động, sáng tạo, chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu tới chế biến, xuất khẩu” - ông Lực đề nghị.

 

Trong tình hình hiện nay, các DN cần phải chắt chiu đơn hàng, đồng thời cải thiện quản trị DN, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại và hiệu quả kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ để tạo giá trị gia tăng nhiều hơn; đồng thời chuyển đổi sản phẩm xanh theo xu thế mới.

Theo Báo Kiểm toán