Doanh nghiệp ngành gỗ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu
Không còn cảm xúc vui mừng như hồi đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang phải đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn, duy trì đơn hàng và thị trường tiêu thụ.
Đơn hàng giảm mạnh
Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) chia sẻ, DN cũng đang ráo riết làm lại thị trường nội địa sau khi đơn hàng xuất khẩu kín mít của 6 tháng đầu năm đã đột ngột quay đầu giảm từ tháng 7 vừa qua, với mức giảm trên 30%.
Từ nhiều tháng nay, DN đã phải liên tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng nội thất ngoài trời. Cụ thể, thị trường nội địa là đầu ra duy nhất của DN khi các nhà nhập khẩu từ Mỹ thông báo tạm thời ngưng nhập những đơn hàng đã đặt từ mùa trước mà Viet Products đang trong kế hoạch sản xuất. Thậm chí tình trạng khách hủy mà không có sự chuẩn bị trước cũng khá phổ biến.
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Mẫn - Tổng Giám đốc Công ty Bảo Hưng - cho biết, thời gian gần đây, DN đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nội thất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi bị ảnh hưởng của lạm phát ít hơn các nước khác. Riêng với thị trường Mỹ dù bị sụt giảm mạnh về đơn hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung vào thị trường ngách, những nhóm hàng ít bị cạnh tranh hơn.
Xuất khẩu gặp khó, nguồn vốn cạn kiệt
Theo phân tích chính sách của Forest Trend, hiện DN ngành gỗ đang chịu nhiều sức ép về vốn vay ngân hàng, chi phí lao động, nguyên liệu đầu vào. Những vấn đề này làm cho 71,2% DN có xu hướng sẽ giảm quy mô sản xuất; 15,5% DN sẽ chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu; 9,6% DN sẽ chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu… Về năng lực duy trì sản xuất, 44,2% DN có thể cầm cự được từ 3 - 6 tháng, 23,1% DN sẽ cầm cự được trên 12 tháng, 19,2% có thể cầm cự dưới 3 tháng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN nên sắp xếp sản xuất tinh gọn để giảm chi phí sản xuất, giảm giá sản phẩm để kích cầu. Hơn nữa, cần tập trung vào các sản phẩm mang tính giá trị cao hoặc có tính đặc thù để tăng năng lực cạnh tranh và ít bị biến động hơn với diễn biến khó lường của thị trường thế giới.
Theo thông lệ, nửa cuối năm 2022, sản lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, trang trí lại nội thất tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, với tình hình lạm phát cao tại thị trường Mỹ, Châu Âu và những xáo trộn về tồn kho hàng hóa sau dịch COVID-19, xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh - cũng cho rằng, ngân hàng nên giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp các DN vượt qua khó khăn. Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với các thị trường quốc tế, việc mở rộng thị trường và đa dạng mặt hàng xuất khẩu là giải pháp để DN vượt qua khó khăn hiện nay.
Đề cập đến vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Trang - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam - nhận định, tại các quốc gia tiêu thụ sản phẩm chính của công ty là Mỹ, Australia và Nhật Bản, Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, tới 30-40%. Đơn hàng hiện nay chỉ đủ sản xuất thêm 1-2 tháng, trong khi đơn hàng cho năm mới vẫn chưa được ký kết. Bên cạnh việc duy trì lượng khách hàng và đơn hàng ở những thị trường ít bị giảm sút, DN phải tìm đối tác ở thị trường mới như: Canada, New Zealand với kỳ vọng bù đắp phần nào cho thị trường Mỹ.