Doanh nghiệp "khát" vốn: Đâu là giải pháp?

Theo Thanh Minh/vietq.vn

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra một số giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng 3,19%
3 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng 3,19%

Tăng trưởng tín dụng duy trì mức khá cao

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ các chính sách về tiền tệ, tín dụng, do đó tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao (2015 -  2017 đạt 18 - 19%, 2018 đạt gần 14%, 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng 3,19%). Tín dụng cũng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như: tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 21,41%; tín dụng công nghiệp và xây dựng tăng 9,91%; tín dụng thương mại và dịch vụ tăng 16,57%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 15,57%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 14,58%. Tăng trưởng tín dụng đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Từ năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng cũng đã tổ chức trên 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho gần 195.000 DN, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng (TCTD) liên tục triển khai các hình thức hỗ trợ giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh như gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… với dư nợ trên 150.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, trên 420 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN đã được tổ chức trên toàn quốc, giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 DN và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 DN và một số khách hàng khác.

Giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay?

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, do cung cách quản lý, sự quản trị DN còn có khiếm khuyết và bất cập, thiếu minh bạch trong hoạt động tài chính nên nhiều DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa thể thuyết phục các ngân hàng và các tổ chức tín dụng chấp nhận cung cấp tín dụng. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Do đó, để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của DN, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị:

Với các bộ, ngành liên quan: Triển khai đồng bộ các quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và các văn hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ, và Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV.

Với UBND các tỉnh, thành phố cần tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV để hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng;

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng; quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi hành án và quá trình xử lý tài sản đảm bảo đối với các tài sản đã có quyết định thi hành án, hỗ trợ các TCTD trong việc thu hồi vốn; Tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai Chương trình kết nối ngân hàng DN để kịp thời xử lý các khó khăn của người dân, DN trong quan hệ tín dụng.

Đối với các Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội DNNVV, ông Hùng cho rằng, nên tiếp tục nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình làm cầu nối giữa DN và các TCTD, hỗ trợ DN trong quan hệ tín dụng với các TCTD; Hỗ trợ DN về thông tin thị trường, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN thành viên.