Vốn vay ODA chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển

BD

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dự thảo này đề xuất những quy định cụ thể về đánh giá thành tố ưu đãi và tác động của khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài tới nợ công; việc xác định nội dung sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của nước ngoài; xây dựng kế hoạch tài chính năm, giải ngân rút vốn đối với chương trình dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài,…

Đối với việc đánh giá thành tố ưu đãi đối với các khoản vay nói trên, Bộ Tài chính đưa ra quy định: Khi đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài, cơ quan chủ quản dự án xác định rõ giá trị khoản vay dự kiến, thời hạn khoản vay, thời gian ân hạn và chi phí khoản vay để làm cơ sở đánh giá thành tố ưu đãi.

Bộ Tài chính chủ trì đánh giá thành tố ưu đãi ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.

Về trách nhiệm đánh giá các khoản vay so với nợ công, Bộ Tài chính dự kiến sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo các nội dung như: Tỷ lệ phần trăm so với GDP của năm có phát sinh khoản vay; mức tiền vay trong kế hoạch vay và trả nợ 5 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở báo cáo này, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương thực hiện đàm phán ký kết khoản vay đảm bảo khoản vay không ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ công và kế hoạch trung hạn; chủ trương kéo dãn tiến độ đàm phán ký kết khoản vay trong trường hợp có ảnh hưởng tới chỉ tiêu an toàn nợ công và kế hoạch trung hạn.

Về nội dung sử dụng nguồn vốn, dự thảo Thông tư nêu nguyên tắc: Vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; không sử dụng các nguồn vốn này để nộp các loại thuế cho NSNN hay để nhập vật tư thiết bị thay thế cho các chương trình, dự án, trả lãi khoản vay hoặc lãi nhập gốc.

Việc xác định các khoản mục chi đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan.