Siết vốn vay ở nơi '"sốt" đất
Trước tình trạng giá đất tăng nóng bất thường tại nhiều nơi, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ vốn vay tại những tỉnh thành xảy ra "sốt" đất.
Theo các chuyên gia, dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế tín dụng chảy vào bất động sản (BĐS), tuy nhiên lĩnh vực này vẫn được coi là "miếng bánh ngon", nên các ngân hàng vẫn mạnh tay cho vay thông qua tín dụng tiêu dùng.
Lãi suất cho vay cao
Hiện nay, không còn hiện tượng giá đất tăng "chóng mặt" tại nhiều địa phương như thời điểm giữa năm ngoái. Tuy nhiên, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, Tp.HCM và một số khu vực nằm trong vùng quy hoạch, giới "cò đất" liên tục thổi giá.
Đơn cử trường hợp thị trường BĐS Vân Đồn (Quảng Ninh), trong hai tháng trở lại đây có dấu hiệu sốt trở lại sau khi UBND tỉnh cho phép mở lệnh giao dịch từ tháng 1. So với cách đây ba tháng, giá đất nhiều khu vực tăng 40-50%.
Thời điểm này ở Vân Đồn, từ quán ăn đến quán cà phê, chủ đề chính của mọi cuộc nói chuyện hầu hết là đất và giá đất. Thậm chí, nhiều người còn bỏ bê công việc đồng áng để đi làm "cò đất".
Đang có nhu cầu mua đất, bà Hoàng Thanh Hà (46 tuổi, ngụ ở Uông Bí, Quảng Ninh) khảo sát một số ngân hàng để hỏi vay. Tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn Uông Bí, nhân viên tư vấn đưa ra hai phương án: Nếu muốn cố định trong thời gian 12 tháng, lãi suất là 7,8%/năm; còn cố định 24 tháng, lãi suất sẽ là 8,8%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 11%/năm).
"Lãi suất cho vay không chỉ cao hơn trước, mà các khoản vay ưu đãi cũng chỉ áp dụng một phần khiến tôi vô cùng khó khăn khi có ý định mua đất" , bà Hà than thở.
Theo khảo sát tại Vietcombank, lãi suất cho vay mua nhà cố định trong 12 tháng là 9%/ năm, 24 tháng là 8,9% và 36 tháng là 9,4%. So với các ngân hàng 100% vốn ngoại, mức lãi suất này tuy có cao hơn nhưng so với nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước thì vẫn là mức thấp nhất. Hiện, BIDV đang áp dụng mức 11,4%/năm và VietinBank là 11%/năm.
Ở khối ngân hàng TMCP, lãi suất dao động từ 11%-13,5%/năm. Chẳng hạn tại VIB, lãi suất cố định 6 tháng là 7,9%/năm, từ tháng thứ 7 trở đi, khách hàng chịu lãi suất thả nổi được tính dựa trên công thức lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,7%. Eximbank đưa ra mức lãi suất ưu đãi 24 tháng, 36 tháng cũng ngang bằng với lãi suất sau ưu đãi là 11%/năm; Sacombank là 13,5%/năm và VietBank là 12,2%/năm.
Kiểm soát chặt tín dụng
Theo Ts. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nguồn vốn tín dụng vào BĐS hiện nay phần lớn chỉ ở phân khúc dành cho cá nhân vay mua nhà, còn đối với chủ đầu tư vẫn không dễ vay được vốn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngân hàng hạn chế rót vốn cho chủ đầu tư dự án. Nguyên nhân do đặc thù của thị trường BĐS Việt Nam là đa số chủ đầu tư dựa vào nguồn tín dụng vay mượn từ ngân hàng, vì năng lực hạn chế.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai công tác tín dụng năm 2019.
Trong đó, NHNN yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường BĐS và việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, các khu vực có hiện tượng "sốt" đất.
Trường hợp cần thiết, tình hình có biến động bất thường, NHNN các tỉnh, thành phố phải chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thống đốc NHNN biện pháp xử lý.
Mặt khác, phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của các ngân hàng, công ty tài chính đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, NHNN nhấn mạnh, ngân hàng thương mại cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo ông Lịch, việc Chính phủ, NHNN đưa ra cảnh báo kiểm soát chặt dòng tín dụng vào BĐS và ngăn chặn tình trạng "bong bóng" tái diễn là hoàn toàn chính xác và cần thiết.
"Để thị trường BĐS ấm dần lên và phát triển bền vững, tránh tình trạng "bong bóng" tín dụng ở lĩnh vực này, các chủ đầu tư dự án, ngân hàng phải hướng đến phân khúc khách hàng có nhu cầu nhà ở đầu tiên, bởi chính họ là những người mong muốn sở hữu nhà và trả nợ từ nguồn thu nhập tiền lương hàng tháng", ông Lịch khẳng định.