Doanh nghiệp môi giới bất động sản gặp khó


Việc thị trường địa ốc gặp khó khăn đã kéo theo không ít ngành nghề khác. Trong đó, đáng chú ý nhất là môi giới bất động sản.

Thị trường bất động sản có cơ sở để phục hồi bởi những vướng mắc lớn nhất đang được cơ quan nhà nước tháo gỡ bằng các dự thảo luật sửa đổi
Thị trường bất động sản có cơ sở để phục hồi bởi những vướng mắc lớn nhất đang được cơ quan nhà nước tháo gỡ bằng các dự thảo luật sửa đổi

Dù đã có những sự hồi phục nhất định, song thị trường bất động sản nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thống kê từ Hiệp Hội Môi giới Bất động sản (VARS) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận mỗi tháng có tới trên 100 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng các sàn giao dịch bất động sản, thì hiện 20% sàn tiếp tục đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang nỗ lực chống đỡ để duy trì hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt và đang cố gắng cầm cự.

Đặc biệt, số liệu từ Tổng cục thống kê còn chỉ ra, trong 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, bất động sản tại Việt Nam là lĩnh vực có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều nhóm ngành khác. Một khi thị trường địa ốc gặp khó khăn, sẽ tác động đến không ít ngành nghề khác. Trong đó, đáng chú ý nhất là môi giới bất động sản.

Nhóm các doanh nghiệp môi giới bất động sản niêm yết cũng bị bủa vây trong khó khăn với hoạt động kinh doanh chính sụt giảm mạnh. Theo đó, có thể thấy tất cả các doanh nghiệp môi giới bất động sản trên sàn đều báo doanh thu/lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước, thậm chí nhiều công ty còn lỗ nặng.

Trước hết, phải kể đến là CTCP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC). Theo BCTC hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, giảm mạnh 97% so với cùng kỳ năm trước – đây là con số thấp nhất của tập đoàn trong 6 năm tài chính trở lại đây. Trừ đi giá vốn và các chi phí, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Danh Khôi là 18,3 tỷ đồng. Nhờ vào khoản thu nhập khác từ bồi thường hợp đồng, công ty báo lãi ròng 17,6 tỷ đồng trong quý III/2023.

Tuy vậy, xét 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần công ty chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng giảm 98% và lỗ ròng 17,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 67 tỷ đồng.

Trong bối cảnh liên tục thua lỗ, Chi cục thuế quận 1 (TP.HCM) ngày 13/11/2023 đã ra Quyết định số 378505/QĐ-CCT-CC về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn do nợ thuế gần 100 tỷ đồng quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp, cũng như thời hạn gia hạn theo quy định. Việc cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn sẽ có hiệu lực thi hành từ 17h ngày 13/11/2023 đến ngày 12/11/2024 (1 năm).

Tương tự, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HoSE: DXS) cũng báo doanh thu quý III/2023 giảm 52% so với cùng kỳ xuống 510 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn và các chi phí, lãi ròng công ty giảm mạnh 97% còn 25,4 tỷ đồng. Đất Xanh cho biết, nguyên nhân lãi ròng giảm mạnh trong quý III/2023 là do tình hình khó khăn chung của thị trường ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản, dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh.

Xét trong 9 tháng đầu năm 2023, Đất Xanh lỗ sau thuế gần 36 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 lãi hơn 671 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất trong nhóm các doanh nghiệp môi giới bất động sản trên sàn chứng khoán.

Với hoạt động kinh doanh gắn chặt với thị trường bất động sản, sự hồi phục của doanh nghiệp môi giới bất động sản có sự đồng pha với thị trường.

Các chuyên gia đã dự báo, để thị trường địa ốc phục hồi rõ nét hơn, phải là sau quý II/2024.

Một số ý kiến nhìn nhận, việc FED phát đi thông điệp giữ nguyên lãi suất năm 2023 và có thể giảm 3 lần trong năm 2024 rõ ràng sẽ giúp NHNN Việt Nam duy trì mức lãi suất thấp, đặc biệt lãi suất huy động bằng USD sẽ giảm hơn so với trước đây. Mức lãi suất thấp sẽ làm chi phí lãi vay doanh nghiệp giảm, và giúp cải thiện lợi nhuận. Từ đó, chính thị trường bất động sản và các doanh nghiệp địa ốc sẽ gián tiếp hưởng lợi.

Theo TS. Võ Trí Thành, thị trường bất động sản có nhiều cơ sở để phục hồi nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Từ cuối năm nay và những tháng tiếp theo năm 2024, thị trường vẫn tiếp tục cần những đợt "tiếp sức" từ các cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, tạo động lực tích cực vào tiến trình phục hồi.

Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng, dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi, nhờ vào các vấn đề pháp lý, vướng mắc lớn nhất đang được cơ quan nhà nước tháo gỡ bằng các dự thảo luật sửa đổi gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

Cùng với đó, hàng trăm dự án cũng đang được gỡ khó, cùng với việc các chủ đầu tư tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm và giảm giá nhà sẽ cùng giúp thị trường có triển vọng hồi phục.

Theo Đức Ngọc/thoibaonganhang.vn