Doanh nghiệp ngoại chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện gì?
Các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài muốn chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam cần đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Theo quy định tại Điều 36, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, thì các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài muốn chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam cần đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm (trường hợp chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền) theo các chuẩn mực kế toán quốc tế.
Đồng thời, có quyết định của cấp có thẩm quyền thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để đầu tư vào dự án tại Việt Nam, thông qua phương án trả nợ vốn (trường hợp phát hành trái phiếu); Có dự án đầu tư vào Việt Nam được cấp có thẩm quyền tại Việt Nam phê duyệt. Tổng số tiền huy động từ đợt chào bán tại Việt Nam không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án.
Các doanh nghiệp này còn phải tổ chức phát hành nước ngoài không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài; không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép; Có cam kết bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết nhận mua toàn bộ để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết với tối thiểu một công ty chứng khoán được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán tại Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài khi muốn chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam còn phải tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua chứng khoán của đợt chào bán; Có ngân hàng thực hiện việc giám sát sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán; Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Đồng thời, phải có cam kết thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu, niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán; Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác trong trường hợp chào bán trái phiếu.