Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 230 triệu USD vào nông nghiệp Việt Nam

PV.

Tính đến năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản đạt hơn 230 triệu đô la, với 41 dự án đã và đang được triển khai. Những lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư gồm: rau quả tươi, chế biến hải sản, sản xuất gạo và gỗ nguyên liệu.

Toàn cảnh diễn đàn hợp tác Việt Nam - Nhật Bản
Toàn cảnh diễn đàn hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

Đó là thông tin tại Diễn đàn "Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản tổ chức ngày 27/9/2016 tại Hà Nội, nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về cơ hội đầu tư, liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp 2 nước trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn so với những ngành khác như: nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, thời gian đầu tư dài hạn nhưng lại chịu nhiều rủi ro về thiên tai, thị trường.

Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng của nông nghiệp không cao so với đầu tư trong công nghiệp…vì vậy, việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Là địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm mô hình nâng cao năng suất, chuỗi giá trị về nông sản an toàn, chất lượng cao với sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho rằng, với nhiều điểm tương đồng về sản xuất nông nghiệp với trình độ tiên tiến, việc chia sẻ những kinh nghiệm của doanh nghiệp Nhật Bản thông qua đầu tư các dự án sẽ giúp địa phương xây dựng những chuỗi giá trị của nông sản vốn là thế mạnh hiện nay của Nghệ An.

Hiện vùng nguyên liệu của Nghệ An hiện nay khá tốt, về chè có gần 10 nghìn ha, cao su có hơn 10 nghìn ha, ngoài ra còn có lạc, rau quả, địa phương vì vậy rất cần đầu tư công nghệ chế biến. Với tiềm năng điều kiện tự nhiên về đất đai, địa phương mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản cùng đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với công nghệ chế biến góp phần giúp địa phương xây dựng các chuỗi giá trị.

Theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản đạt hơn 230 triệu USD, với 41 dự án đã và đang được triển khai. Những lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư gồm: rau quả tươi, chế biến hải sản, sản xuất gạo và gỗ nguyên liệu.

Cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước còn rất lớn bởi hiện nay giữa 2 Bộ đã xây dựng “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” trong đó tập trung giải quyết những vấn đề về tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tăng nông sản; hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ chế biến, sản xuất nông nghiệp thích ứng với khí hậu.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trong đó nhấn mạnh đến 3 trụ cột của phát triển bền vững gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường. Để thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư như: Nghị định 210 năm 2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp; những cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính…

Ông Trần Kim Long cho biết, một trong những giải pháp chính được đưa ra là khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phẩn kinh tế ngoài Nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành nông nghiệp, nông thôn với phương châm phù hợp với nhu cầu và mong muốn các nhà đầu tư có tính thực tiễn cao, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Cũng tại Diễn đàn, doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp 2 nước, và hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam góp phần thực hiện thành công “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản”.