Nông lâm thuỷ sản trước dòng vốn Nhật
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đang dành sự quan tâm lớn vào lĩnh vực nông lâm thủy sản tại Việt Nam nhằm “đón sóng” TPP và thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ Nhật. Một chuỗi giá trị gia tăng cho nông nghiệp ở trình độ cao là điều mà giới đầu tư Nhật hướng tới.
Hơn 30 doanh nghiệp (DN) đến từ khắp các tỉnh thành của Nhật Bản đã tham gia vào buổi kết nối doanh nghiệp về thực phẩm nông lâm thủy sản do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức tuần trước.
Ngày 6/9, cũng tại TP. Hồ Chí Minh, tại Hội nghị kinh doanh châu Á do BrainWorks Asia, công ty của Nhật, chuyên về hỗ trợ xúc tiến thương mại Việt- Nhật, với sự tham dự của hàng chục DN Nhật, chủ đề quan tâm nhất cũng vẫn là chuyện rót vốn đầu tư vào nông lâm thuỷ sản ở Việt Nam.
Vừa thâm nhập vừa “đón sóng”
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh xoay quanh vấn đề này, ông Kondo Noboru, Tổng giám đốc Brain Works Group, cho biết thông qua sự kết nối từ tập đoàn của ông, nhiều DN nhỏ và vừa của Nhật Bản cho biết sẽ quyết định đẩy mạnh các dự án đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Lý giải vì sao lại chọn đầu tư vào nông lâm thuỷ sản, ông Kondo Noboru cho rằng bởi vì Việt Nam cũng là nước thành viên TPP, với tiềm năng sản xuất nông nghiệp rất lớn…Khi sản xuất tại Việt Nam, DN Nhật Bản sẽ xuất khẩu nông sản ngược lại Nhật Bản để hưởng mức thuế nhập khẩu 0%.
“Hơn nữa, đời sống kinh tế của người dân Việt đã phát triển thì lại càng quan tâm đến nguồn thực phẩm chất lượng cao, an toàn. Đây chính là cơ sở để các DN Nhật đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm trong nông nghiệp ở trình độ cao với một chuỗi giá trị gia tăng” – ông Kondo chia sẻ thêm.
Còn theo báo cáo phân tích của công ty tư vấn đầu tư Seiko Ideas Corp (Nhật Bản), các DN Nhật Bản có thể đáp ứng được điều kiện quy định trong TPP là các sản phẩm xuất khẩu phải có 70% hàm lượng nguyên liệu xuất xứ từ nội khối TPP.
Nhật Bản hiện là quốc gia đứng vị trí thứ hai trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong nửa đầu năm 2016 là 1,229 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Riêng hai năm trở lại đây, giới đầu tư Nhật Bản đã dành sự quan tâm lớn vào lĩnh vực nông nghiệp để tìm hiểu và tăng cường đầu tư.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết trước đây, các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất chế tạo nhưng hiện nay, các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, dịch vụ… ngày càng gia tăng mạnh.
“Việc đầu tư vào lĩnh vực nông lâm thuỷ sản sẽ giúp hàng hoá thực phẩm Nhật thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua kênh phân phối của các DN bán lẻ Nhật Bản tại các đại siêu thị (chẳng hạn như Aeon Mall) hoặc cửa hàng tiện lợi” – ông Takimoto nói.
Cơ hội tốt cho nông nghiệp
Giới chuyên gia nhận định, các DN Nhật đã và sẽ đẩy mạnh đưa hàng hóa như nông sản, nguyên liệu, thực phẩm Nhật… vào Việt Nam. Hàng Nhật sẽ được đưa vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật ở Việt Nam, đơn cử như Mini Stop và FamilyMart. Riêng thương hiệu 7 Eleven – hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản – cũng được dự đoán cũng sẽ có mặt tại Việt Nam vào năm 2017.
Theo vị lãnh đạo của JETRO tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài buổi kết nối các nhà đầu tư Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm vào ngày 1/9 vừa qua, vào tháng 10/2016 sẽ tổ chức buổi kết nối tìm nguồn cung cho các DN bán lẻ Nhật tại Việt Nam. Sau đó một tháng, JETRO sẽ có chương trình bán thử các sản phẩm thực phẩm Nhật do các DN Nhật sản xuất tại Việt Nam ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản.
Phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho rằng hiện nay, số lượng DN Nhật Bản muốn thực hiện các dự án nông – thủy sản tại Việt Nam ngày càng tăng. Rất nhiều DN Nhật Bản đang triển khai các dự án khảo sát thị trường tại Việt Nam, trước khi tiến hành đầu tư trực tiếp tại đây.
Vị CEO của Brain Works Group chia sẻ thêm, giới đầu tư Nhật đang có xu hướng đầu tư vào sản xuất lúa gạo, rau, trái cây, thuỷ sản với chất lượng cao, tạo thương hiệu tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất về Nhật Bản hoặc các nước khác.
Đó là điều kiện rất tốt để nông nghiệp Việt Nam hoà nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần tăng lượng nông sản xuất khẩu, tạo bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp.Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPASRD), Việt Nam là một trong các lựa chọn lý tưởng để DN Nhật đầu tư vào nông nghiệp với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai cho sản xuất.
Gần 70% dân số của tập trung ở nông thôn, nhưng nông nghiệp Việt Nam còn lạc hậu từ cây giống, đến canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm. Trong khi đó, Nhật Bản có nền nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đất đai lại hạn chế và dân số làm nông nghiệp đều đã già. Đây chính là sự bổ sung lý tưởng cho nhau.