Thủ tướng Nhật – Việt hội đàm tại Tokyo:

Tăng cường hợp tác quốc phòng, kinh tế Nhật - Việt

Theo TTXVN

Sau khi hoàn tất chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, chiều 28/5 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện ký kết.

Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Chính phủ nước ta được tổ chức trang trọng tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản dưới sự chủ trì của Thủ tướng Shinzo Abe với các nghi thức cử Quốc ca Việt Nam và Quốc ca Nhật Bản; duyệt Đội danh dự Nhật Bản. Ngay sau Lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.

Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Hai bên cũng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và thực chất của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, nông nghiệp, giao lưu giữa các địa phương hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chính phủ Nhật Bản, chúc mừng Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Thủ tướng Shinzo Abe chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, cảm ơn việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận lời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển toàn diện hơn nữa và mong sớm đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản.

Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa hai nước; nhất trí tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước và hợp tác chặt chẽ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh. Thủ tướng Abe bày tỏ mong muốn sớm thăm lại Việt Nam.

Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng trao đổi các biện pháp cụ thể để thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế với các nội dung kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối nguồn lực sản xuất, kết nối nguồn nhân lực thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, viện trợ phát triển chính thức (ODA)... Thủ tướng Abe khẳng định tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội và trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu; nhất trí hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á và trong triển khai sáng kiến kết nối Mekong-Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nhật Bản ủng hộ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có nguồn vốn IDA ưu đãi của Ngân hàng thế giới sau năm 2017.

Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thông qua việc triển khai Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt - Nhật trong năm 2016; khẳng định hợp tác chặt chẽ triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hai nước, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2... Hai bên đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của hai nước vào thị trường của nhau như thanh long ruột đỏ của Việt Nam và lê của Nhật Bản. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực y tế, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam vào Nhật Bản, tiếp tục triển khai dự án trường Đại học Việt-Nhật, thúc đẩy hợp tác du lịch và giao lưu giữa người dân hai nước.

Liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Abe đã công bố cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại khẩn cấp 300 triệu yen (2,5 triệu USD) để hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn và khẳng định Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp trung và dài hạn và sẵn sàng xem xét cung cấp vốn vay ODA để xây dựng các đập, hồ chứa nước và hỗ trợ trên cơ sở đề nghị cụ thể của Việt Nam trước mắt sẽ sớm cử đoàn khảo sát của JICA đối với Dự án quản lý nước ở tỉnh Bến Tre.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Thủ tướng Abe khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong chuẩn bị Năm APEC 2017. Chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hành động tôn tạo, xây đảo quy mô lớn. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các Bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 5 văn kiện ký kết, trong đó có 4 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ yen (tương đương 1,5 tỷ USD) gồm: Công hàm trao đổi Dự án Tuyến đường sắt đô thị số I Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; (3 Hiệp định vay cho 3 dự án: Xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải (54,982 tỷ yen tương đương 500 triệu USD); Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 (khoản vay lần 3) (20,967 tỷ yen tương đương 191 triệu USD); Tuyến đường sắt đô thị số I Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (khoản vay lần 3) (trị giá 90,175 tỷ yen tương đương 820 triệu USD) và Hợp đồng mua bán cổ phần giữa Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Hàng không ANA Holdings Inc.

Kết thúc buổi lễ trao văn kiện, hai Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả cuộc hội đàm. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Lãnh đạo một số cơ quan tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản như Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Shinichi Kitaoka, Chủ tịch danh dự Tập đoành Mitsubishi Kojima Yorihiko, Thống đốc tỉnh Aichi (A-i-chi) Hideaki Omura (Hi-đê-ki Ô-mu-ra), đi thăm nông trại Yokoyama, tại thị trấn Toyoake thuộc tỉnh Aichi.

* Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chủ trì họp báo chung, thông báo kết quả hội đàm. Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cám ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà của Thủ tướng Shinzo Abe đã dành cho cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam.

Chúc mừng Thủ tướng Abe và Chính phủ Nhật Bản đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kết quả đạt được tại các Hội nghị G7 có ý nghĩa thiết thực đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những sáng kiến của Ngài Thủ tướng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 về ổn định tình hình Trung Đông, cải thiện điều kiện y tế và nâng cao vai trò của phụ nữ.

Thông tin tại buổi họp báo, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, cuộc hội đàm diễn ra rất thành công, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, đặc biệt là cấp cao. Hai bên cũng đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế và nhất trí một số nội dung hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á và triển khai Sáng kiến kết nối Mekong- Nhật Bản.

Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có nguồn vốn IDA ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và có lộ trình phù hợp sau năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảm ơn Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trị giá 300 triệu yen (2,5 triệu USD) để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra trầm trọng tại Việt Nam, cũng như cam kết về việc Nhật Bản sẽ cùng Việt Nam nghiên cứu các giải pháp lâu dài và hỗ trợ ODA cho Việt Nam để ứng phó với tình trạng này.

Trao đổi tại buổi họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại hội đàm hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới. Hai bên cùng chia sẻ quan ngại của ASEAN và cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động tôn tạo, xây đảo quy mô lớn, nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông; các bên liên quan không có những hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).