Doanh nghiệp nỗ lực tăng tốc

Theo Khánh Nam/ Báo Cần Thơ

Bước qua năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 ổn định, các doanh nghiệp (DN) quyết tâm tập trung tăng tốc phát triển sản xuất. Đến nay, trên 90% DN tại TP Cần Thơ đã hoạt động trở lại. Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn như thiếu lao động, nguồn nguyên liệu… nhưng với sự trở lại của đối tác cùng với những đơn hàng lớn, các DN tự tin phục hồi sản xuất kinh doanh và kỳ vọng đạt được những kết quả tốt đẹp trong năm nay.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Việt Long Giang. Ảnh: Khánh Nam
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Việt Long Giang. Ảnh: Khánh Nam

Ra đời ngay khi dịch COVID-19 còn những diễn biến phức tạp, ngày 18/10/2021, Công ty CP. May Việt Long Giang chính thức đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty CP May Việt Long Giang, cho biết, quy mô sản xuất của công ty được xây dựng 3 tòa nhà, hiện nay 2 tòa nhà (2 chuyền sản xuất) đã hoàn thiện và đi vào sản xuất, dự kiến có khoảng 1.500 lao động; năm 2023 khi nhà thứ 3 hoàn thiện, dự kiến thu hút thêm 1.500 lao động.

Hiện nay, công ty đang thiếu rất nhiều lao động để thực hiện kịp những đơn hàng xuất khẩu. Theo đó, người lao động "bước vô" nhà máy là được trả lương và được hưởng các chính sách theo quy định hiện hành (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…) và hỗ trợ dạy nghề. Mức lương khởi điểm cho người lao động từ 5,9-6,3 triệu đồng/tháng, công nhân làm đủ 3 tháng mức lương từ 6,3-6,7 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề; mức lương quản lý cũng được trả tùy theo trình độ. Bên cạnh đó, người lao động được hưởng các chính sách khen thưởng khác, đảm bảo thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. "Điểm đặc biệt là công ty chú trọng đào tạo nguồn cán bộ nòng cốt sẽ là người địa phương, nguồn nhân lực này được trao cơ hội cho tất cả cán bộ nhân viên người lao động của công ty" - ông Nguyễn Hữu Phước nhấn mạnh.

Doanh thu năm 2021 của Công ty TNHH Vinataba Philip Morris đạt trên 917 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước hơn 614 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch, thu nhập bình quân của người lao động 19,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 35% so với cùng kỳ. Từ những thành công đó, đại diện Công ty TNHH Vinataba Philip Morris cho biết, năm 2022 công ty đưa ra nhiều giải pháp cố gắng phát triển hơn năm trước, trên 15%. Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số Kiến thiết Cần Thơ cho biết, Công ty cũng đưa ra phấn đấu doanh thu năm 2022 đạt trên 5.000 tỷ đồng, đóng góp ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Huy Việt Tây Đô, cho biết, khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch, nhiều đối tác "quay lưng" nay đã trở lại hợp tác với DN. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thiếu nguyên liệu. Do mặt hàng sản xuất chính của DN là cồn Ethenol thực vật, nguồn nguyên liệu chính là mía đường bị đứt gãy do chưa kịp phục hồi sau dịch nên DN phải đổi qua nguồn nguyên liệu thay thế (gạo, bắp…) và gặp khó khăn là giá thành sản xuất cao hơn, một số khách hàng chưa chấp nhận nên công suất hiện nay của nhà máy chỉ ở mức 60-65%. Dự kiến, khi nguyên liệu sản xuất (mía đường) ổn định, nhà máy sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động với công suất tối đa.

Chi nhánh Tân Cảng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã cung cấp dịch vụ logistics và các gói giải pháp tối ưu hóa chi phí cho các doanh nghiệp nội địa và xuất nhập khẩu trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Năm 2021, Chi nhánh Tân Cảng ĐBSCL đạt vàvượt kế hoạch với mức tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trung tá Cao Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Tân Cảng ĐBSCL cho biết, điểm nổi bật của cảng Tân Cảng Cái Cui trong năm 2021 là thu hút hãng tàu MAE mở cốt depot rỗng và hàng nhập tại cảng giúp cho các DN trong khu vực thuận lợi trong việc lấy vỏ container rỗng đóng hàng nhanh chóng và an toàn trong việc bảo quản hàng hóa; Tạo cơ hội mới thu hút hãng tàu, khách hàng sử dụng dịch vụ tại các cảng số 5 khu vực ĐBSCL.

Trong năm 2021, cảng Tân Cảng Cái Cui (Chi nhánh Tân Cảng ĐBSCL) vẫn đảm bảo duy trì sản xuất thông suốt, góp phần đảm bảo an ninh xuất nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng gạo. Cảng Tân Cảng Cái Cui hiện kết nối chuỗi dịch vụ "door - door" nội địa (dịch vụ vận chuyển hàng hóa trọn gói từ kho hàng cho đến kho giao hàng) và hàng xuất nhập khẩu thông qua dịch vụ sà lan lên cụm cảng tại TP. Hồ Chí Minh và cảng Thị Vải - Cái Mép xuất tàu, đóng góp 40% trong tổng doanh thu của chi nhánh.

Ngay trong những ngày đầu năm, hoạt động tại Tân Cảng Thốt Nốt (Chi nhánh Tân Cảng ĐBSCL) rất sôi động. Chỉ tiêu năm 2022, Tân Cảng Thốt Nốt đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% sản lượng so với năm 2021, khoảng 45.000 tấn hàng hóa. Bên cạnh đó, xây dựng Tân Cảng Thốt Nốt là trung tâm logistics, ngay từ đầu năm đơn vị đẩy mạnh triển khai nâng cấp hạ tầng để phục vụ dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các đơn vị xuất nhập khẩu.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, cho biết, qua nắm tình hình tại các DN trên địa bàn thành phố  cho thấy các DN chuẩn bị tâm thế rất tốt khôi phục sản xuất. Ngành Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các DN nhằm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu cũng như tìm kiếm nguồn hàng, đối tác. Đồng thời, Sở cũng đã có công văn gởi các sở, ngành liên quan để hỗ trợ cho các DN tuyển dụng lao động cũng như có những chính sách ưu đãi về thuế, hoạt động xuất nhập khẩu...  nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Qua số liệu thống kê từ Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, UBND các quận, huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ, đến nay có 1.089/1.195 (tương đương 91,13%) DN sản xuất đã hoạt động trở lại. Tổng số lao động hiện có là 79.017, trong đó số lao động đang làm việc trong các DN là 71.675, tương đương 90,71% lao động. Trong đó, DN trong khu công nghiệp đang hoạt động là 165/170 DN, chiếm tỷ lệ 97,06% với tổng số lao động là 45.681; DN ngoài khu công nghiệp có 924/1.025 DN đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 90,15% với 30.703/33.336 lao động, chiếm tỷ lệ 92,10% trở lại làm việc.