Doanh nghiệp nước ngoài áp đảo trong các thương vụ mua bán và sáp nhập
10 năm qua, có gần 4.000 thương vụ M&A được tạo lập. Trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 91,8% còn nhà đầu tư trong nước chỉ chiếm 8,2%. Động thái này góp phần thổi bùng sức nóng của thị trường mua bán – sáp nhập tại Việt Nam.
Thực tế, theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần để đầu tư vào Việt Nam, để có thể ngay lập tức “tham chiến” trên thị trường, thay vì đầu tư xây nhà máy, hay thiết lập cơ sở kinh doanh từ đầu.
Con số được ông Nguyễn Nội công bố: năm 2016, nếu như giá trị của thị trường M&A Việt Nam là 5,8 tỷ USD, thì các nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn, mua cổ phần 4,5 tỷ USD. Năm 2017, thị trường M&A Việt Nam trị giá 10,2 tỷ USD, thì riêng phần góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 6,3 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Bùng nổ mạnh mẽ góp vốn, mua cổ phần
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. “Có thể nói, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo nên một “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”, ông Phương khẳng định.
Đánh giá về hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian qua, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A thường niên cho hay, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ, mà còn trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Điều này thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ.
“Cách đây đúng 1 năm, nhiều dự báo chuyên môn dù rất lạc quan cũng khó có thể đưa ra viễn cảnh về sự bùng nổ mạnh mẽ của các thương vụ M&A trong năm 2017, đưa tổng giá trị thương vụ lên tới 10,2 tỷ USD, tăng 175% so với năm 2016. Đây là con số kỷ lục, vượt xa mọi dự báo trước đó, cho dù tại thời điểm Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 được tổ chức, các chuyên gia đều đã hình dung về một làn sóng M&A thứ hai trong giai đoạn 2014-2018”, ông Minh nói.
Sự bùng nổ của các thương vụ M&A còn thể hiện qua các thương vụ kỷ lục như thương vụ ThaiBev (Thái Lan), mua lại 51% Sabeco, trị giá 5 tỷ USD; Công ty cổ phần Thế Giới Di Động mua lại hơn 90% cổ phần của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh. Hay thương vụ CJ Cheiljedang Corporation, thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre…
Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5- 6,9 tỷ USD. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD.
Nhà đầu tư trong nước chỉ chiếm 8,2%
Mặc dù ghi nhận nhiều thành tựu sau 10 năm hoạt động, nhưng quy mô thị trường M&A Việt Nam vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5-6 triệu USD, các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường M&A Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng thương vụ do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đã đạt gần 18% song vẫn còn quá ít so với các doanh nghiệp nước ngoài. Khu vực doanh nghiệp nhà nước kể từ khi có chủ trương cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đến nay mới có 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp được bán thành công.
Kết quả đạt được từ cổ phần hóa và thoái vốn không đồng đều. Nhiều thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Điều này cho thấy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt vẫn còn ít, ở quy mô nhỏ và chưa được hưởng lợi nhiều từ các thương vụ M&A. Doanh nghiệp nội hoàn toàn lép vế trước doanh nghiệp ngoại.
Các chuyên gia nhận định, khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt khi tiến hành M&A là vốn, vì bản chất của hoạt động này là việc doanh nghiệp dùng tiền để mua lại cổ phần của doanh nghiệp khác. Sau khi có được cổ phần, doanh nghiệp còn phải có vốn để áp dụng công nghệ, phát triển thương hiệu và sản phẩm mới.
Ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, số lượng DNNN bán nhiều nhưng số vốn thu về còn ít. Các thương vụ M&A thành công chủ yếu do nhà đầu tư quyết định. Cơ quan xây dựng chính sách chỉ có thể dự đoán tình hình. Vốn nhà nước cổ phần hóa chào bán vào thời điểm nhà đầu tư không quan tâm chắc chắn không bán được.
“Bán vốn nhà nước cần khôn ngoan và có chiến lược hơn. Không phải ra chiến lược cổ phần hóa DNNN hôm trước, hôm sau ồ ạt quẳng hết vốn ra “chợ” bán mà cần bán làm sao để được giá cao nhất. Tôi kỳ vọng vào quyết định của Chính phủ về thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là yếu tố thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn tới. Từ đó chấm dứt tình trạng cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước bị phân mảnh”, ông Hiếu nói.
Còn theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam, việc cổ phần hóa DNNN cần đi vào thực chất hơn. Có nhiều doanh nghiệp chỉ bán 3- 5%, không lôi cuốn các nhà đầu tư vào mua mà không có quyền hành gì. Thậm chí có những DNNN cổ phần xong nhưng vẫn hoạt động như một DNNN.