Doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì để có thể áp dụng TWI?
Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) là hình thức đào tạo tại doanh nghiệp với các chương trình huấn luyện kỹ năng thiết yếu cho các cấp giám sát viên. Đây được nhìn nhận là một trong những công cụ đáng kể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất.
TWI xuất phát từ Mỹ năm 1940 cùng với việc hình thành phong trào năng suất chất lượng tại Mỹ và lan ra toàn thế giới.
TWI có nghĩa là đào tạo tại doanh nghiệp với 3 chương trình đào tạo kỹ năng thiết yếu cho các cấp giám sát bao gồm: kỹ năng chỉ dẫn việc, kỹ năng quan hệ công việc, kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc.
Cả 3 chương trình tập trung đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp. Lý do, TWI cho rằng năng suất, chất lượng của doanh nghiệp có được do đội ngũ nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ.
"Họ làm tốt đến đâu là do quản lý giám sát của họ dẫn dắt đến đó. Do đó, cần tập trung nâng cao năng lực thực thi cho đội ngũ quản lý giám sát tuyến đầu; các chức danh trong thực tế như quản đốc, tổ trưởng, nhóm trưởng...", một chuyên gia chia sẻ.
Ba chương trình này là nền tảng đào tạo của các hệ thống quản lý như Hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System - TPS); Mô hình sản xuất tinh gọn Lean; công cụ cải tiến 5S, Kaizen; Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); Quản lý chất lượng toàn diện (TQM)...
TWI đã được áp dụng tại nhiều nước với nền văn hóa khác nhau như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
TWI có nghĩa là đào tạo tại doanh nghiệp với 3 chương trình đào tạo kỹ năng thiết yếu cho các cấp giám sát bao gồm: kỹ năng chỉ dẫn việc, kỹ năng quan hệ công việc, kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc.
Nguyên tắc của TWI chính là tạo ra tác động nhân bản “Multiplier Effect” phát triển một phương pháp đã được chuẩn hóa và tiến hành đào tạo chuyên sâu những huấn luyện viên TWI về phương pháp chuẩn này. Những huấn luyện viên TWI sẽ đào tạo những nhóm người khác (giám sát viên) sử dụng các phương pháp chuẩn để xử lý vấn đề cụ thể nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Để áp dụng TWI, doanh nghiệp cần chuẩn bị các yếu tố như: Hệ thống quản trị, doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống quản lý như ISO hoặc công cụ cải tiến là một lợi thế; cam kết của lãnh đạo, lãnh đạo tham gia với vai trò quan sát và hỗ trợ mọi nguồn lực cần thiết.
Bên cạnh đó, là nguồn lực về con người, tài chính, sắp xếp kế hoạch công việc, người hỗ trợ. Con người gồm các giám sát viên là giám đốc, trưởng phòng, phó phòng, quản đốc, tổ trưởng, trưởng ca, trưởng nhóm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần chuẩn bị nơi thí điểm - 1 công ty, 1 nhà máy, 1 phân xưởng, 1 bộ phận.
TWI không nhằm giải quyết vấn đề trước mắt mà chú trọng vào việc phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh. Điều này có nghĩa là người gặp vấn đề (công nhân) và người có thể kèm dẫn, hỗ trợ (giám sát viên) cần thường xuyên làm việc bên nhau.
Khi các giám sát viên sử dụng kỹ năng học được từ TWI để giải quyết các vấn đề sản xuất, họ tự nhiên đóng vai trò huấn luyện viên, từ bỏ vai trò chỉ đạo và kiểm soát của một người sếp truyền thống và tạo ra môi trường học hỏi…