Vì sao doanh nghiệp cần áp dụng mô hình nhóm huấn luyện TWI?
Với quan niệm, năng suất, chất lượng của doanh nghiệp có được là do đội ngũ nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ, do đó cần tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng này. Đây cũng là nhiệm vụ mà mô hình nhóm huấn luyện TWI hướng tới. Điều này đã được chứng minh bằng hiệu quả thực tế tại nhiều doanh nghiệp đã áp dụng.
Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng
Trong khi các doanh nghiệp trên thế giới coi đào tạo như một chiến lược đầu tư quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp lại chỉ coi đào tạo như một khoản chi phí cần phải cắt giảm. Theo thống kê, trong cơ cấu lao động của một doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ khung chỉ chiếm 5% đến 10%.
Thực tế là các vị trí quản lý cấp trung thường được lấy từ nguồn nhân sự lâu năm, lành nghề. Tuy nhiên, đội ngũ này sẽ gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu các kỹ năng cần thiết của người quản lý. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã và đang đặt ra vấn đề ngoài việc cần phải có nguồn nhân sự có chất lượng tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo bổ sung cho các đơn vị, phòng ban trực thuộc, cần có được đội ngũ công nhân viên lành nghề là cực kỳ quan trọng để tăng năng suất, chất lượng, giảm lãng phí, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển thương hiệu để hội nhập.
Với thực trạng trên, rất cần áp dụng một mô hình đào tạo huấn luyện hiệu quả như mô hình nhóm huấn luyện TWI nhằm thay đổi phương thức và hiệu quả đào tạo cho doanh nghiệp, qua đó đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề cả về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp.
Nguyên tắc nền tảng cho TWI là phát triển một phương pháp đã chuẩn hóa, rồi đào tạo chuyên sâu những huấn luyện viên TWI về phương pháp chuẩn này, những huấn luyện viên TWI sẽ đào tạo những nhóm người khác (Giám sát viên) sử dụng các phương pháp chuẩn để xử lý vấn đề cụ thể, để đạt mục tiêu. Để triển khai áp dụng TWI, thường áp dụng qua bốn giai đoạn: Chuẩn bị → Khảo sát đánh giá hiện trạng doanh nghiệp → Tổ chức thực hiện → Kiểm tra kết quả, đánh giá, cải tiến.
TWI gồm ba chương trình huấn luyện: đào tạo kỹ năng chỉ dẫn việc, đào tạo kỹ năng quan hệ công và đào tạo kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc. Cả ba chương trình này đều tập trung đào tạo/huấn luyện cho đội ngũ quản lý giám sát trong doanh nghiệp, vì TWI cho rằng năng suất, chất lượng của doanh nghiệp có được do đội ngũ nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ. Họ làm tốt đến đâu là do quản lý giám sát của họ dẫn dắt đến đó. Do đó, cần tập trung nâng cao năng lực thực thi cho đội ngũ quản lý giám sát tuyến đầu như: quản đốc, tổ trưởng, nhóm trưởng…
Để áp dụng TWI đòi hỏi doanh nghiệp phải có quy mô ít nhất 100 nhân viên, tương ứng cần khoảng 10 giám sát viên; doanh nghiệp đã và đang áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn hay các công cụ cải tiến.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang phải đối diện với các vấn đề về biến động nhân sự, nâng cao năng suất, chất lượng giảm chi phí, các vấn đề đã nêu trong phần chọn doanh nghiệp điểm. Lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của ba kỹ năng thiết yếu dành cho cấp giám sát để nâng cao năng lực thực thi, giúp các giám sát hoàn thành 3 trách nhiệm chính hàng ngày của họ là sản lượng - chất lượng - chi phí.
Triển khai áp dụng TWI tại doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đã được hướng dẫn áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện TWI thuộc Chương trình Quốc gia về “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Nhờ đó, có một số doanh nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ như: CTCP Gỗ Minh Dương (Bình Dương); CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Đại Việt (TP. Hồ Chí Minh). 3.2.1. Dự án áp dụng TWI tại CTCP Gỗ Minh Dương.
Cụ thể, tại CTCP Gỗ Minh Dương - doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nội thất từ gỗ cao su, thông, sồi, tần bì, sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện.
Trước khi áp dụng TWI, Minh Dương đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008; công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S; thực hiện tiêu chẩn CSR (cam kết trách nhiệm xã hội) cho tất cả nhân viên và bảo đảm các thiết bị và điều kiện làm việc luôn đạt tiêu chuẩn. Việc áp dụng các hệ thống quản lý này tạo điều kiện để Công ty quản lý được chất lượng sản phẩm đầu ra.
Tuy nhiên, Công ty đang gặp các nhóm vấn đề như: nhân viên chưa biết cách làm dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, năng suất thấp, tỷ lệ phế phẩm và chi phí cao, nhân viên chưa có phương pháp để cải tiến công việc hiệu quả hơn.
Vì vậy, khi áp dụng TWI đã trang bị thêm các kỹ năng chỉ dẫn, cải tiến và quan hệ công việc cho đội ngũ giám sát; nâng tay nghề nhân viên đồng đều hơn; giảm sản phẩm sai hỏng; giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, trước cải tiến, người công nhân dùng chổi quét màu và cục bả màu. Với phương pháp này thì năng suất là 1 cái/30 giây, trong khi đó công đoạn trước và sau chỉ sử dụng 20 giây/1 cái dẫn đến tình trạng sản phẩm bị dồn lại ở công đoạn bả màu filler, công đoạn sau sẽ phải chờ đợi, bên cạnh đó là chất lượng chưa đồng đều, tốn nhiều màu bả.
Khi người giám sát quyết định cải tiến bằng cách chuyển sang dùng bao tay cao su và bao tay vải để bả màu filler. Kết quả là năng suất tăng 75%, tỉ lệ từ chối giảm từ 20% xuống còn 5%, số công nhân giữ nguyên trong khi đó hiệu suất tăng từ 67% lên 93% và tiết kiệm được màu bả.
Ngay như công đoạn đóng chốt gỗ, trước cải tiến, người công nhân thực hiện thao tác đóng chốt vào vai tựa bằng búa, hạn chế của phương pháp cũ là một tay (tay trái) cầm lưng tựa, một tay còn lại (tay phải) nhỏ keo và lắp chốt vào vai tựa, tay phải đóng chốt vào lưng tựa với năng suất là 22,5 giây/1 lưng tựa. Người giám sát nhận thấy khu vực làm việc bừa bộn, thiếu khoa học dẫn đến mất thời gian cho những thao tác khác.
Do vậy, quyết định sắp xếp lại nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ khoa học, thuận tiện... được thực hiện. Sau cải tiến tăng năng suất lên 70%, thời gian đóng chốt 1 lưng tựa giảm từ 22,5 giây/1 lưng tựa còn 13,2 giây/1 lưng tựa, và tỉ lệ từ chối vẫn đảm bảo không thay đổi là 0% dù thời gian 1 thao tác giảm đáng kể.