Doanh nghiệp trong nước lớn lên cùng những “người khổng lồ” FDI

Theo Trần Nam/baodauthau.vn

Một trong những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 30 năm qua là việc chuyển giao công nghệ (CGCN), lan tỏa “cảm hứng” đổi mới, phát triển công nghệ sang các khu vực kinh tế trong nước. Trong đó, nhiều ngành kinh tế quan trọng, chủ chốt được hưởng lợi như dầu khí, viễn thông, cơ khí...

Một trong những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 30 năm qua là việc chuyển giao công nghệ. Nguồn: internet
Một trong những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 30 năm qua là việc chuyển giao công nghệ. Nguồn: internet

Thành tựu không nhỏ

Theo báo cáo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp (DN) FDI đã có sự CGCN cho DN Việt Nam, điển hình là các DN trong lĩnh vực dầu khí và viễn thông. Nhờ CGCN và nghiên cứu, phát triển sản phẩm, các DN trong hai lĩnh vực này đã làm chủ được công nghệ, phát triển với tốc độ nhanh, hiện đại, tiến kịp trình độ thế giới và có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Trong đó, dấu ấn rõ nét nhất của FDI trong CGCN là lĩnh vực dầu khí. Từ Hiệp định đầu tư về thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) cấp phép trong những năm đầu mở cửa thị trường, đến nay, ngành dầu khí của Việt Nam đã tiếp nhận, ứng dụng và làm chủ công nghệ địa chất định lượng, mô hình hóa, mô phỏng phân tích bể trầm tích cùng các công nghệ chuyên sâu trong từng lĩnh vực; công nghệ vật liệu mới, tự động hóa, kỹ thuật xây dựng hiện đại và xây dựng công trình trên biển, khoan và khai thác...

Trong lĩnh vực viễn thông, CGCN được thực hiện nhanh, chất lượng tốt nhất trong các lĩnh vực CGCN vào Việt Nam. Lĩnh vực này đã tiếp nhận công nghệ và phát triển đi thẳng vào số hóa, tự động hóa và đa dạng hóa dịch vụ; sử dụng công nghệ truyền dẫn cáp quang, vi ba băng rộng và công nghệ vệ tinh phủ sóng trên cả nước. Hệ thống thông tin di động và mạng truyền số liệu ở Việt Nam ứng dụng công nghệ hiện đại tương đương với các nước phát triển...

Ngoài ra, một số ngành cũng đã sử dụng trang thiết bị đồng bộ với trình độ cơ khí hóa. Ngành dệt may đã sử dụng công nghệ đồng bộ từ khâu sản xuất đến in, nhuộm, hoàn tất sản phẩm với máy móc, thiết bị đạt trình độ công nghệ tương đương các nước trong khu vực. Công nghệ may đồng bộ từ khâu tạo mẫu đến hoàn tất sản phẩm.

Ngành da giày sử dụng công nghệ phần lớn thuộc loại tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa ở một số công đoạn như pha cắt (cắt tốc độ cao, chính xác, cắt chặt được nhiều lớp và nhiều vật liệu khác nhau, có nhiều chức năng tự động, thông minh trong tính toán, có bộ nhớ nhiều chương trình cắt tiết kiệm nguyên liệu...).

Một số ngành tự động hóa cao như lắp ráp bản mạch điện tử, tổng đài điện tử kỹ thuật số; sản xuất lắp ráp điện thoại thông minh; sản xuất các sản phẩm điện tử, ô tô, xe máy...

Một số DN Việt Nam đã cạnh tranh thành công như các công ty May An Phước, May Việt Tiến, May 10, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, TH Truemilk hay những doanh nghiệp ngành viễn thông...

Bên cạnh việc CGCN trực tiếp, vẫn theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, DN FDI còn là nhân tố thúc đẩy DN trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của DN FDI để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa.

Một trong những kênh hấp thu công nghệ, kỹ năng quản lý, dịch vụ tiên tiến của DN Việt Nam gần đây nổi lên là các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đối với DN FDI. Năm 2018 ghi nhận một số thương vụ M&A đình đám là Công ty CP FPT mua 90% cổ phần của Intellinet - công ty tư vấn công nghệ của Mỹ - với giá trị 50 triệu USD để nâng cấp công nghệ trong các dự án chuyển đổi số; Công ty Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất của Tập đoàn GM (Mỹ) tại Việt Nam để sản xuất ô tô mang thương hiệu Vinfast... 

Còn không ít dư địa cho chuyển giao công nghệ

Tính đến hết năm 2016, ước tính có khoảng 1.800 DN hoạt động sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam. Phần lớn khách hàng của những DN này là DN FDI và một số công ty xuyên quốc gia lớn. Mặc dù nhiều DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là DN FDI nhưng cũng phải thấy số lượng DN CNHT đã tăng rất nhanh, bình quân giai đoạn 2012 - 2016 tăng khoảng 10%/năm. Sản xuất linh kiện, phụ tùng kim loại phát triển nhất với 770 DN (chiếm 42,8%), tiếp theo là sản xuất linh kiện điện - điện tử có 610 DN. DN FDI đã mở rộng thị trường trong nước cho DN Việt Nam ở một số ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất xe máy, ô tô, thiết bị điện, điện tử, máy tính... Nhờ đó, nhiều DN nội địa đã phát triển được năng lực sản xuất khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiệu ứng lan tỏa công nghệ từ khu vực FDI, theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chủ yếu thông qua việc DN trong nước học hỏi DN FDI; chuyển giao kỹ năng, kiến thức, di chuyển lao động (thuê lao động đã làm việc trong các DN FDI, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN trong nước, hoặc một số lượng lớn lao động sau khi làm việc tại DN FDI đã học hỏi được công nghệ, quy trình quản lý và áp dụng khi mở công ty riêng); thúc đẩy cạnh tranh (giá, đổi mới sản phẩm...); liên kết sản xuất (mua đầu vào từ DN FDI, bán đầu vào cho DN FDI)... Nếu như năm 2002, Intel là công ty đầu tiên đưa wifi vào Việt Nam và phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng thí điểm các điểm truy cập tại các trường đại học, thì nay một số DN trong nước đã có năng lực công nghệ để triển khai với các liên doanh nước ngoài.

Theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, thời gian qua, việc CGCN tại Việt Nam chủ yếu thực hiện theo chiều ngang thông qua hình thức liên doanh, góp vốn và mua sắm máy móc, thiết bị, đi kèm đào tạo về quản lý và vận hành của đối tác nước ngoài. Việc tiếp cận công nghệ mới ở Việt Nam diễn ra từ từ. Mặc dù không quá vượt trội, hiện đại và cập nhật, nhưng trong những năm gần đây, DN FDI đã tích cực nâng đời công nghệ, những công nghệ mà DN FDI sử dụng ở cấp trung bình, tương đối tiên tiến của khu vực.

Đánh giá việc thu hút FDI trong 30 năm qua, ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, những kết quả CGCN từ khối DN FDI thời gian vừa qua là rất đáng ghi nhận, mặc dù chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Một trong các nguyên nhân hạn chế CGCN là hệ thống pháp luật và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Có công nghệ nhưng chưa được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khiến DN ngần ngại mua từ khối DN nước ngoài.

Nhiều chuyên gia đồng thuận với đánh giá cho rằng việc lan tỏa công nghệ từ khối FDI trong 30 năm qua là thành tựu lớn. Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhưng với việc dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, cùng định hướng đúng đắn về mặt chính sách, các DN trong nước sẽ tiếp tục được chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh 2018 thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 về ASEAN diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 3 giải pháp thúc đẩy CGCN trong thời gian tới: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích việc CGCN; DN FDI cởi mở và tạo điều kiện cho DN nội tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực tham gia chuỗi, đạt chuẩn của chuỗi; DN nội cũng phải tự nỗ lực, nâng cao khả năng hấp thu công nghệ.