Cổ phần hóa mang lại động lực mới cho doanh nghiệp phát triển

PV.

Trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.

Cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Nguồn: internet
Cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển. Nguồn: internet

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, phần lớn các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa một thời gian đều có kết quả hoạt động tốt hơn trên nhiều mặt về doanh thu, lợi nhuận, quyền lợi cho người lao động… Quan trọng hơn, doanh nghiệp đã đổi mới được quản trị, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong hoạt động, đặc biệt là vấn đề công khai minh bạch thông tin.

Ông Tiến dẫn chứng, một trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá cuối năm 2017 đầu năm 2018 là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), sau khi cổ phần hóa, khả năng huy động vốn của PVPower đã thay đổi rõ rệt theo nhiều kênh nhờ quản trị có sự đổi mới, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh khả quan. Đó là một trong những động lực làm cho doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Bên cạnh PVPower, có rất nhiều mô hình doanh nghiệp hoạt động tốt sau cổ phần hóa như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airline là minh chứng rõ rệt nhất, hiệu quả từ chủ trương cổ phần hóa là không thể phủ nhận. “Cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.” – Ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, vấn đề cổ phần hóa chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi được thực hiện quyết liệt, triệt để, thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới”. Đồng thời, cần có sự giám sát, kiểm tra, công khai minh bạch trước, trong và sau cổ phần hóa; Kiên quyết hoạt động theo cơ chế thị trường sau cổ phần hóa để đem lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Với vai trò là đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, thời gian qua, Bộ Tài chính đã hoàn thành cơ bản đầy đủ khung khổ pháp lý về vấn đề này. Đối với những vấn đề mang tính đặc thù, Bộ Tài chính đã cử cán bộ thường xuyên nắm bắt, kịp thời lắng nghe khó khăn để tháo gỡ vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương trong thời gian nhanh nhất. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.

Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và có chế tài đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đứng đầu doanh nghiệp chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Trong trường hợp doanh nghiệp trong danh mục thoái vốn đăng ký năm 2017, 2018 chưa thực hiện được cần mạnh dạn chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - doanh nghiệp thoái vốn chuyên nghiệp.

Một trong những giải pháp quan trọng khác sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong Hội nghị đổi mới cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tới đây là tập trung mạnh hơn ở khâu tổ chức thực hiện gắn với các chế tài, trách nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu; Đồng thời, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch về lộ trình, tiến độ, kết quả và trách nhiệm người thực hiện, đảm bảo tiến độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.