Doanh nghiệp ứng phó với chi phí vận tải tăng cao từ khủng hoảng Biển Đỏ


Theo tính toán của các doanh nghiệp, với 1 container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1.000 - 2.000 USD do khủng hoảng Biển Đỏ.

Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do khủng hoảng Biển Đỏ sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản và các sản phẩm đông lạnh.
Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do khủng hoảng Biển Đỏ sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản và các sản phẩm đông lạnh.

Chi phí vận tải tăng cao khi khủng hoảng Biển Đỏ đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải biển, từ đó gây nguy hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Rủi ro gia tăng trên tuyến vận tải quan trọng này đã buộc các công ty vận tải phải tránh Kênh đào Suez - tuyến đường biển nhanh nhất từ châu Á sang châu Âu, chiếm khoảng 15% vận chuyển thương mại thế giới, khiến thời gian vận chuyển và chi phí gia tăng, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thông tin từ các doanh nghiệp và ngành hàng cho biết, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do khủng hoảng Biển Đỏ sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản và các sản phẩm đông lạnh.

Các tàu chở hàng đã phải đi vòng qua tuyến đường dài hơn, làm thời gian vận chuyển kéo dài thêm từ 7 - 14 ngày, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên. 

Theo tính toán của các doanh nghiệp, với 1 container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1.000 - 2.000 USD do khủng hoảng Biển Đỏ.

Ông Trần Việt Long, Giám đốc Công ty CP Thương mại và XNK Việt Phát cho biết, hiện doanh nghiệp đang bị chậm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ từ Việt Nam sang EU, như Đức và Hà Lan hơn 1 tháng do hoạt động vận tải bị gián đoạn và nhiều đơn vị vận tải biển tăng quá cao chi phí vận tải.

Doanh nghiệp đã đàm phán với các đối tác về thời gian giao hàng và chi phí mới phát sinh do tác động ngoài mong muốn. Phía đối tác có hợp tác và chia sẻ, nhưng họ chỉ hỗ trợ 30% chi phí cước phát sinh, phần còn lại doanh nghiệp phải bù đắp.

Đó là còn chưa nói đến việc chậm giao hàng khiến các hợp đồng của đối tác bị ảnh hưởng, từ đó ít nhiều sẽ giảm uy tín của doanh nghiệp sau này.

“Với các đơn hàng mới, doanh nghiệp phải tính toán kỹ về chi phí cũng như thời gian giao hàng sẽ phải kéo dài hơn, vì chưa biết khi nào tuyến đường biển này trở lại bình thường”, ông Long nói.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty Đầu tư Thương mại Phú Hoàng chuyên xuất khẩu sản phẩm trái cây sang thị trường New Zealand, lô hàng thanh long nghịch vụ xuất khẩu của doanh nghiệp với đối tác có nguy cơ phải hủy bỏ do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Hãng tàu biển đang lựa chọn mặt hàng vận chuyển, trong đó khuyến cáo hạn chế các mặt hàng rau củ quả, hàng tươi sống vì thời gian vận chuyển khó chính xác theo đúng vận đơn.

“Doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển hàng qua đường hàng không, nhưng chi phí sẽ bị tăng lên rất lớn, khó thương thuyết được với các đối tác. Nếu quá trình này còn kéo dài, doanh nghiệp phải tính lựa chọn thay đổi mặt hàng và đối tác xuất khẩu”, ông Hoàng Anh bày tỏ.

Chia sẻ về khó khăn trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu qua phương thức đường biển cần có biện pháp ứng phó kịp thời, để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

“Để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề nghị hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến doanh nghiệp trong ngành, nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn tắc và tác động bất lợi khác”, ông Trần Thanh Hải đề xuất.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung, để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, đồng thời tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp.

Các doanhn nghiệp cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất, khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

“Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải chủ động các phương án vận chuyển khác để không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo Việt Nguyễn/Diendandoanhnghiep.vn