Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn
(Tài chính) Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể tính đến ngày 20/5/2014 là 6.713 doanh nghiệp, trong khi chỉ có 1.131 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể vẫn chưa suy giảm
Theo công bố của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5/2014, cả nước có 5.499 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 30.217 tỷ đồng. Như vậy, so với tháng 4, số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm khá lớn về cả số lượng và số vốn đăng ký, tương ứng các mức giảm 25,4% và 33,5%.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể tính đến ngày 20/5/2014 là 6.713 doanh nghiệp, trong khi chỉ có 1.131 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động.
Đi sâu vào phân tích con số 6.713 doanh nghiệp, Cục Đăng ký kinh doanh cho biết: số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả nước là 6.086 doanh nghiệp, tăng 33,3% so với tháng 4/2014. Trong đó: số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký là 831 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng không đăng ký hoặc chờ đóng mã số doanh nghiệp là 5.255 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục giải thể của cả nước là 627 doanh nghiệp, giảm 9,7% so với tháng 4/2014.
Như vậy, tính từ đầu năm đến đến ngày 20/5/2014, cả nước có 31.228 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 173.624 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2013 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,7% và số vốn đăng ký tăng 11%.
Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, trong 5 tháng đầu năm 2014 (tính đến 20/5/2014), có 27.867 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm:
- Số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả nước là 23.965 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: số doanh nghiệp có đăng ký tạm ngừng hoạt động là 5.229, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng không đăng ký hoặc chờ đóng mã số doanh nghiệp là 18.736.
- Số doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục giải thể là 3.902 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 6.994 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động.
Chuyển biến rất khác nhau tại các vùng kinh tế
Những tháng qua, khu vực doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trong cả nước có sự chuyển biến rất khác nhau. Tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, quá trình gia nhập, sàng lọc và đào thải doanh nghiệp vẫn đang diễn ra mạnh mẽ với xu hướng biến động cùng tăng của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình là một số địa phương như: Sơn La (thành lập mới tăng 61%, dừng hoạt động tăng 157,1%); Gia Lai (tăng 25,5%, tăng 69,7%); Lâm Đồng (tăng 79,7%, tăng 60,8%); Bình Dương (tăng 49%, tăng 96,2%); Đồng Nai (tăng 24,4%, tăng 42,2%).
Cộng đồng doanh nghiệp tại các vùng Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long lại đang thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có chiều hướng giảm, trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình là các địa phương: Hải Phòng (thành lập mới giảm 6,6%, dừng hoạt động tăng 14,8%); Quảng Ninh (giảm 9,3%, tăng 21,1%); Hà Tĩnh (giảm 6,2%, tăng 46%); Bình Thuận (giảm 10,9%, tăng 33,6%); Hậu Giang (giảm 50,9%, tăng 17,6%); Sóc Trăng (giảm 45,8%, tăng 627,4%); Tiền Giang (giảm 16,9%, tăng 118,6%).
5 tháng qua cũng chứng kiến sự đổi thay trong cơ cấu kinh doanh. Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước (thành lập mới tăng 11,5%, dừng hoạt động giảm 22,9%).
Tại một số ngành khác đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong việc gia nhập đồng thời rút lui của các doanh nghiệp trên thị trường so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (thành lập mới tăng 42,9%, dừng hoạt động tăng 29%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 37,8%, tăng 8%); Kinh doanh bất động sản (tăng 32,9%, tăng 20,6%); Sản xuất phân phối điện, nước, gas (tăng 21,9%, tăng 25%); Thông tin và truyền thông (tăng 20,7%, tăng 50,4%).
Ngược lại, một số ngành còn thể hiện sự khó khăn so với cùng kỳ năm trước, khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng, như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (thành lập mới giảm 7,2%, dừng hoạt động tăng 24,2%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 4,5%, tăng 12,9%); Xây dựng (giảm 4%, tăng 23,7%).
Một số dự báo
Diễn biến phức tạp về tình hình an ninh – chính trị trên Biển Đông trong thời gian gần đây đã khiến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5/2014 giảm so với tháng trước. Hiện nay, tình hình phức tạp trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại.
Tuy nhiên, với những quyết sách, giải pháp đúng đắn của Chính phủ trong việc ứng phó trước các tình huống an ninh – chính trị, kinh tế của đất nước đã giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, dự báo số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 6/2014 sẽ là 6.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 31.000 tỷ đồng.
Cần đẩy mạnh thực hiện phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng
Song song với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, thời gian qua, Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cũng đã được hoàn thiện một bước để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho Cơ quan đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp trong thực hiện công tác đăng ký doanh nghiệp. Việc phát triển ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và thanh toán điện tử trong đăng ký doanh nghiệp là bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách đăng ký kinh doanh. Với quy trình hoàn toàn trực tuyến, phương thức này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh như: tiết kiệm thời gian và chi phí, không bị giới hạn về không gian và thời gian thực hiện thủ tục, giảm các áp lực thực hiện thủ tục hành chính, kiểm tra trạng thái hồ sơ một cách dễ dàng và tiện lợi.
Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin nói chung cũng như việc sử dụng sử dụng chữ ký điện tử, thanh toán điện tử chưa phát triển và thói quen thực hiện thủ tục dựa trên giấy tờ của người dân nên kết quả áp dụng phương thức này chưa được như mong đợi.
Bên cạnh đó, Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh được thực hiện trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc hoàn thiện từng bước khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp và xây dựng thành công Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia với Cơ sở dữ liệu chứa đựng thông tin của gần 800.000 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc và những ứng dụng kỹ thuật hiện đại đưa công tác đăng ký kinh doanh tại Việt Nam tiến gần hơn với những nền đăng ký kinh doanh tiến bộ trên thế giới.
Phát huy những kết quả đó, để tạo điều kiện cho mọi tổ chức kinh doanh tham gia thị trường một cách thuận lợi và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tiếp tục triển khai Dự án “Mở rộng các loại hình doanh nghiệp đăng ký trên Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”, cho phép các đối tượng khác thực hiện đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, như: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu chế xuất và các tổ chức kinh doanh khác, như: tổ chức tín dụng và tổ chức khoa học công nghệ…
Với định hướng trên, trong tương lai không xa, không chỉ khu vực dân doanh mà tất cả các loại hình tổ chức kinh tế trên cả nước sẽ được thụ hưởng kết quả của những tiến bộ về đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ thống hiện đại, tập trung, lưu trữ toàn bộ dữ liệu về doanh nghiệp của một quốc gia cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh.