Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nhiều hơn để tận dụng CPTPP

Theo Khánh Giang/nhandan.com.vn

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1/2019. Để giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được những lợi ích từ CPTPP, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ThS. Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng Hiệp định Tự do Thương mại (FTA), Trung tâm WTO và Hội nhập đơn vị trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

CPTPP có hiệu lực với nhóm sáu nước đầu tiên phê chuẩn từ 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1/2019. Nguồn: nhandan.com.vn
CPTPP có hiệu lực với nhóm sáu nước đầu tiên phê chuẩn từ 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14/1/2019. Nguồn: nhandan.com.vn

Phóng viên: CPTPP được định danh là FTA thế hệ mới, bà có thể nói rõ hơn về những điểm khác biệt của CPTPP với các FTA thế hệ cũ?

ThS. Phùng Thị Lan Phương: CPTPP là FTA tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất từ trước đến nay của Việt Nam. CPTPP được coi là một FTA thế hệ mới vì có nhiều điểm khác biệt so với các FTA thế hệ cũ mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ nhất, về phạm vi cam kết, CPTPP có nội dung bao trùm nhiều vấn đề, với nhiều vấn đề mới mà các FTA thế hệ cũ như các FTA không có. Chẳng hạn như các FTA trong khuôn khổ ASEAN của Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hóa (thuế quan, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan…). Các lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư có cam kết hạn chế, chỉ tương đương hoặc cao hơn không đáng kể so với WTO. Còn các vấn đề phi thương mại (lao động, sở hữu trí tuệ, môi trường…) hầu như không được đề cập đến. Tuy nhiên CPTPP hoàn toàn khác, gần như tất cả các vấn đền liên quan đến thương mại hiện đại, dù là vấn đề thương mại thuần túy (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…), hay vấn đề phi thương mại (lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ….) đều có những cam kết đáng kể ở trong CPTPP. Đặc biệt, CPTPP còn có những nội dung mà lần đầu tiên Việt Nam cam kết trong một FTA, như quyền liên kết của người lao động, mở cửa thị trường mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, về mức độ cam kết, CPTPP đề ra những tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời cũng áp đặt nhiều tiêu chuẩn mới so với các FTA thế hệ cũ. Lấy ví dụ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, CPTPP yêu cầu các nước xóa bỏ gần như 100% các dòng thuế, với tỷ lệ thuế xóa bỏ ngay sau khi hiệp định có hiệu lực chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 80%. Trong khi đó hầu hết các FTA thế hệ cũ của Việt Nam có tỷ lệ xóa bỏ thuế theo lộ trình cũng chỉ đạt khoảng 80-90% tổng số dòng thuế. Bên cạnh đó, các cam kết về dịch vụ, đầu tư trong CPTPP cũng đặt ra các tiêu chuẩn rất cao, cả về tiêu chuẩn tự do hóa - mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, và tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư nước ngoài. Các vấn đề thương mại điện tử, viễn thông, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước có nhiều tiêu chuẩn mới đối với Việt Nam.

Cuối cùng, với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như vậy, CPTPP được dự kiến sẽ có tác động mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn đến Việt Nam so với các FTA thế hệ cũ. Diện tác động của CPTPP sẽ không chỉ dừng ở khía cạnh kinh tế (tác động đến xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) như hầu hết các FTA trước đây của Việt Nam, mà cả các khía cạnh xã hội (tác động đến chuyển dịch cơ cấu, thu nhập của người lao động…). Bên cạnh đó, CPTPP cũng sẽ làm thay đổi đáng kể hệ thống thể chế pháp luật (khi Việt Nam phải sửa đổi các văn bản pháp luật để thực thi CPTPP) và môi trường kinh doanh của Việt Nam (khi các tiêu chuẩn cao của CPTPP về tự do hóa, minh bạch và bình đẳng áp dụng làm thay đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam).

Hiện tại CPTPP mới được 7/11 nước thông qua, vậy việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giữa sáu nước đã thông qua và giữa bốn nước chưa được thông qua có những điểm gì khác biệt?

CPTPP sẽ chỉ có hiệu lực đối với các nước đã phê chuẩn CPTPP. Do đó, hiện tại Hiệp định sẽ chỉ có hiệu lực giữa bảy nước đã thông qua CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, điều này đồng nghĩa với việc chỉ hàng hóa từ bảy nước đã phê chuẩn này khi xuất khẩu sang thị trường của nhau sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi CPTPP nếu đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Còn hàng hóa xuất khẩu đi từ bảy nước đã phê chuẩn đến bốn nước chưa phê chuẩn, hoặc hàng hóa xuất khẩu từ bốn nước chưa phê chuẩn sang bảy nước đã phê chuẩn thì vẫn thực hiện như bình thường mà vẫn chưa áp dụng thuế quan theo CPTPP.

Tuy nhiên cần lưu ý là, CPTPP có hiệu lực từ 30/12/2018 đối với sáu nước Nhật Bản, Canada, Mexico, New Zealand, Singapore và Úc. Do đó lần cắt giảm thuế quan đầu tiên của sáu nước này là vào ngày 30/12/2018, và lần cắt giảm thuế quan thứ hai là vào ngày 1/1/2019 (trừ Nhật Bản là ngày 1/4/2019).

Đối với Việt Nam, do Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 nên Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế quan sau gần hai năm vì thời điểm tính bắt đầu cắt giảm thuế là 30/12/2018.

Đối với các nước phê chuẩn CPTPP sau, lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ bắt buộc tính từ ngày 30/12/2018 bất kể thời điểm phê chuẩn của các nước đó là khi nào.

Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có những bước chuẩn bị gì để đón đầu cơ hội, tận dụng lợi ích từ CPTPP mang lại?

Về phía Chính phủ, việc rà soát các văn bản pháp luật trong nước cần phải sửa đổi, bổ sung để thực thi CPTPP đã được tiến hành trong suốt thời gian qua, từ khi CPTPP chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, do CPTPP là một hiệp định lớn với nhiều cam kết phức tạp, việc tiếp tục rà soát và sau đó là ban hành các văn bản thực thi CPTPP cần phải được thực hiện đồng bộ và toàn diện hơn với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu nội dung CPTPP từ khi hiệp định chưa có hiệu lực để có những chiến lược kinh doanh mới nhằm tận dụng cơ hội của CPTPP khi có hiệu lực. Điều này được thể hiện một phần qua số lượng các doanh nghiệp gọi điện và gửi email hỏi về CPTPP đến Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI ngày càng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các doanh nghiệp ở tỉnh và khu vực nông thôn, miền núi vẫn chưa thực sự quan tâm và do đó hầu như chưa có sự chuẩn bị gì cho CPTPP. Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin, thì việc chuẩn bị về chiến lược sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là không thể thiếu để có thể thể đáp ứng được các điều kiện và tận dụng lợi ích từ CPTPP. Nhưng đáng tiếc là khi tôi đi trình bày về CPTPP ở các địa phương và có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp ở đây thì được biết rằng rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp các trở ngại về thông tin thị trường, kiến thức pháp lý, vốn ngoại ngữ, và đặc biệt là công nghệ, nguồn vốn để có thể thay đổi sản xuất, chuyển đổi thị trường tận dụng các cơ hội từ CPTPP đem lại.

Về phía VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về CPTPP. Trung tâm WTO và Hội nhập trực thuộc VCCI đã thiết lập một chuyên mục về CPTPP trên Cổng thông tin của Trung tâm nhằm cung cấp toàn bộ văn kiện CPTPP, cùng các tóm tắt, hướng dẫn và tin tức liên quan. Trung tâm cũng đã xuất bản Cẩm nang tóm lược về CPTPP cho doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện về CPTPP, thiết lập đường dây nóng trả lời doanh nghiệp về tất cả các vấn đề liên quan đến CPTPP… Cùng với đó, một số các hiệp hội doanh nghiệp cũng đã chủ động tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo nhằm cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp thành viên về CPTPP.

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về CPTPP của VCCI cũng như các hiệp hội doanh nghiệp trong thời gian qua cũng bị hạn chế và chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đặt ra sức ép về cạnh tranh ở khu vực và thế giới. Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì cho sân chơi mới này?

Với CPTPP hay bất kỳ FTA nào khác, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, có lẽ chỉ cần áp dụng một công thức chung nhưng các doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay dường như vẫn chưa vận dụng được hiệu quả, đó là “Chủ động”.

Doanh nghiệp cần “chủ động” tìm hiểu nội dung của CPTPP. Đây là việc đầu tiên quan trọng phải làm nhưng lại bị nhiều doanh nghiệp bỏ qua. Văn kiện CPTPP rất đồ sộ với nhiều nội dung phức tạp, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì chỉ cần quan tâm nhất đến các cam kết về thuế quan và quy tắc xuất xứ, chứ không cần đọc toàn bộ nội dung hiệp định. Cam kết thuế quan sẽ cho doanh nghiệp biết hàng hóa của mình khi xuất khẩu sang nước đối tác CPTPP sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi như thế nào, với lộ trình cắt giảm thuế từng năm ra sao. Đồng thời, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì doanh nghiệp phải hiểu và đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Điều này là vô cùng quan trọng vì để có được giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP, hoặc tự chứng nhận xuất xứ CPTPP thì ngay từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp đã phải lấy được giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP cho các nguyên liệu của mình để phục vụ cho việc chứng nhận xuất xứ CPTPP cho hàng hóa thành phẩm sau này.

Doanh nghiệp cần “chủ động” thay đổi quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định. Ưu đãi thuế quan trong CPTPP là rất lớn nhưng yêu cầu về xuất xứ lại không hề dễ dàng, chủ yếu là do nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang được nhập khẩu phần lớn từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc và một số nước ASEAN. Do đó, nếu doanh nghiệp không chủ động thay đổi quy trình sản xuất, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên CPTPP thì sẽ khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ của CPTPP và kết quả là sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định.

Cuối cùng, về lâu dài doanh nghiệp cần “chủ động” nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu…để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Đây dường như là khâu còn yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường thế giới. Các FTA chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng vượt qua đường biên giới với mức thuế quan thấp, nhưng không đảm bảo cho sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiến sâu vào thị trường nội địa và được ưa chuộng bởi người tiêu dùng các nước nhập khẩu. Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, là làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài với phần giá trị thu được không cao? Rõ ràng đây là vấn đề của bài toán sản xuất, kinh doanh, của chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp mà nếu không chủ động thay đổi, thích ứng với thị trường quốc tế thì dù có hay không có FTA các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài.

Được biết Trung tâm WTO và Hội nhập đã xuất bản một cuốn cẩm nang về CPTPP, vậy cuốn cẩm nang này có những nội dung gì?

Ngay từ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - tiền thân của CPTPP) công bố, Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI đã tiến hành biên soạn và xuất bản cuốn “Cẩm nang tóm lược TPP” nhằm tóm tắt những nội dung cơ bản nhất của Hiệp định dưới dạng ngôn ngữ dễ hiểu cho doanh nghiệp.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP và Hiệp định TPP được thay thế bằng Hiệp định CPTPP, Trung tâm WTO và Hội nhập đã sửa đổi và cập nhật nội dung mới của CPTPP và xuất bản “Cẩm nang tóm lược CPTPP” cho doanh nghiệp vào tháng 7/2018.

Cuốn Cẩm nang bao gồm gần 100 câu Hỏi - Đáp tóm lược nội dung CPTPP theo từng nhóm vấn đề như Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Lao động, Môi trường….

Ngoài tóm tắt ngắn gọn các cam kết trong CPTPP, cuốn Cẩm nang còn có các nội dung hướng dẫn cách đọc hiểu CPTPP, các lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp trong việc áp dụng CPTPP…

Xin trân trọng cám ơn bà!