Doanh nghiệp Việt Nam và những thách thức tại thị trường Myanmar

PV.

(Tài chính) Dân số gần 60 triệu người, 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế... còn bỏ ngỏ là những lý do khiến Myanmar trở thành thị trường đầu tư mới nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều rào cản không nhỏ về cơ sở hạ tầng, tiền tệ... đang thách thức lòng quyết tâm và kiên trì của các DN nước ta ở “miền đất hứa” này.

Cơ hội lớn từ một thị trường mới nổi

Myanmar vừa thoát khỏi cơ chế bao cấp, kinh tế chưa phát triển và đang đi vào giai đoạn mở cửa với nhiều chính sách ưu đãi dành cho đầu tư và xuất nhập khẩu. Thêm vào đó, sắp tới, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ cấm vận, giúp nước này hòa nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.

Vì thế, Myanmar đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, trong đó có các nguồn đầu tư của các DN Việt Nam. Có được điều này là nhờ Myanmar đang hội tụ nhiều tiềm năng lớn về cách chính sách ưu đãi những năm gần đây, thị trường trong nước đang có nhu cầu tiêu thụ lớn, giá nhân công thấp, nguồn nguyên liệu cho nông nghiệp lẫn công nghiệp rất dồi dào…

Cụ thể, nguồn nhân công ở Myanmar thường có giá rất thấp, khoảng từ 60$- 80$/lao động phổ thông và 200$- 400$/lao động cấp trung. Myanmar còn là nước có trữ lượng khí tự nhiên đứng thứ 13- 14 của thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và Myanmar đang chuyển đổi từ nền kinh tế hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân phát triển ngoại thương và hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, Chính phủ Myanmar dành sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đều nằm trong danh sách ưu đãi thuế như thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuốc trừ sâu, tân dược và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất… Tất cả những thuận lợi trên chính là cơ hội lớn cho DN Việt Nam đầu tư vào thị trường Myanmar.

Vì thế, những năm qua nguồn đầu tư vào Myanmar của các DN Việt Nam đang tăng lên rất nhanh chóng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng số vốn đăng ký khoảng 460 triệu USD, đứng thứ 6/60 nước có hoạt động đầu tư của DN Việt Nam, đứng thứ 9/32 nước có đầu tư vào Myanmar.

Trong đó, dự án dầu khí ở vùng biển Tây Nam Myanmar có vốn 135,9 triệu USD, dự án khai thác đá màu tại Rakhine của Công ty Simco Sông Đà, với tổng vốn đầu tư 18,1 triệu USD; dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ với vốn dự kiến 300 triệu USD,…. 

Nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn

Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư của các DN nước ta tại Myanmar thì vẫn còn nhiều thách thức, nhều khó khăn đang chò đợi trước mắt.

Thách thức đầu tiên đối với DN Việt Nam muốn thúc đẩy thương mại tại Myanmar đó là khoảng cách địa lý. Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Việt Nam sang Myanmar xa hơn tới Lào, Campuchia, Thái Lan, vì vậy giá thành sẽ cao hơn, khó cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ là những nước có quan hệ mậu dịch biên giới với Myanmar.

Ngoài những khó khăn về thương mại, vẫn còn nhiều khó khăn đối với các DN khi đầu tư vào Myanmar như: thể chế kinh tế của Myanmar chưa được định hình, vẫn còn phức tạp, hệ thống pháp luật còn yếu và chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư. Mặt khác, Myanamar theo chế độ liên bang, mỗi bang đều quyền hạn và pháp luật nhất định nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc đồng bộ hóa các văn bản pháp luật. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các DN Việt đầu tư vào.

Thủ tục hành chính và chính sách tiền tệ cũng là một trong những thách thức không nhỏ cho các nhà đầu tư nước ta. Dẫn chứng cụ thể nhất là việc sau khi hai bên kí kết hợp đồng, DN bên bán và bên mua phải chờ ít nhất 2 đến 3 tháng để có được thủ tục hành chính của cơ quan chức năng Myanmar. Việc này cũng ảnh hưởng không ít đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN nước ta.

Ông Đàm Xuân Bắc, Tổng lãnh sự danh dự Myanmar tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nếu muốn làm ăn ở Myanmar thì các DN Việt Nam cần phải có sự kiên trì. Bởi thị trường này vẫn còn tồn tại cơ chế cũ với những thủ tục hành chính rườm rà khiến DN dễ nản lòng. Bên cạnh đó, đặc điểm về kinh tế thương mại quốc tế cũng theo kiểu riêng của Myanmar chứ chưa hoàn toàn theo thông lệ quốc tế. Các DN cần cử cán bộ am hiểu tiếng Anh nằm vùng, bàn bạc trực tiếp với các đối tác tại nước sở tại. Ngoài ra, Myanmar chưa có ngân hàng nước ngoài hoạt động khiến chi phí dịch vụ tăng cao khi chuyển tiền. Nhiều DN muốn chuyển tiền đầu tư chủ yếu phải thông qua ngân hàng tại Singapore khiến chi phí DN bị đẩy lên cao”.