Doanh nghiệp Việt trước thách thức chênh lệch về kinh tế giữa các thành viên RCEP

PV.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một FTA được đánh giá có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt cần xác định mục tiêu tham gia vào chuỗi giá trị trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Mục tiêu đề ra của RCEP là hài hòa các mạng lưới FTA “ASEAN+1” hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại duy nhất và gắn kết cho khu vực.

RCEP gồm hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn của khu vực và được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển riêng của các nước này. Đó là một lợi thế lớn của RCEP so với một FTA lớn khác của khu vực là CPTPP - không bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc hay toàn bộ các nền kinh tế thuộc ASEAN.

Thông qua việc cung cấp một bộ quy tắc tiêu chuẩn và minh bạch cho khu vực trên các lĩnh vực đa dạng như thực tiễn thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ với các điều khoản cao hơn mức tối thiểu hiện hành của WTO, RCEP sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư dễ dàng thông suốt, các công ty phát triển chuỗi giá trị khu vực dễ dàng hơn.

Sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, cũng như những cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới, gắn kết vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, thay vì chỉ tập trung vào việc mở cửa thị trường song phương với các đối tác chủ chốt.

Theo dự báo của các chuyên gia, 15 nền kinh tế trong khu vực RCEP có thể chiếm 50% GDP toàn cầu trong vài năm tới. Tuy nhiên, lo ngại đặt ra là Việt Nam có bị chi phối về thương mại và công nghệ. Theo GS.,TS. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC), bên cạnh việc mở rộng thị trường với cơ chế mở, RCEP sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí giảm lợi thế đầu vào của nguồn cung. Ấn Độ, một trong những thành viên sáng lập đầu tiên, đã tuyên bố rời khỏi RCEP từ năm 2019 do lo ngại hàng hóa giá rẻ từ bên ngoài sẽ tràn ngập thị trường nội địa, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thương mại, cũng như lo ngại vấn đề bảo vệ các lĩnh vực nông nghiệp và sữa.

Trước những nguy cơ đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần vào cuộc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam không bị thua thiệt trước sự chênh lệch về kinh tế giữa các thành viên của RCEP. Với Việt Nam, quy mô quan hệ thương mại và đầu tư rất lớn và có tính truyền thống với các nước thành viên RCEP đã có từ các Hiệp định FTA song phương. 

Là lực lượng tiên phong chịu tác động trực tiếp và lâu dài từ RCEP, các doanh nghiệp Việt cần kịp thời nhận diện cơ hội, hiểu rõ thách thức để tạo giá trị mới cần được thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực.

RCEP có đặc điểm là không đòi hỏi quá cao về các tiêu chuẩn so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết nhưng lại coi trong tính bền vững và kết nối chuỗi giá trị khu vực cho nên doanh nghiệp phải vừa nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, đầu tư cải thiện chất lượng mặt hầng truyền thống, vừa bảo đảm tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định xuất xứ, vệ sinh để hưởng triệt để ưu đãi.

Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt cần xác định mình có thể tham gia được vào đâu trong chuỗi giá trị trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh lựa chọn mặt hàng, các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược để sẵn sàng kết nối chuỗi với các doanh nghiệp trong RCEP.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, RCEP dự kiến đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Tuy nhiên, xét về lợi ích cụ thể thì các nhóm nước khác nhau cũng có lợi ích khác nhau.

Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác.

Khi Hiệp định RCEP đi vào thực thi, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực. Cơ hội mở rộng quy mô và tạo lợi thế quy mô mới nhờ thị trường RCEP đang mở ra cho hàng hóa và dịch vụ với doanh nghiệp Việt Nam, cho nên việc đầu tư mở rộng quy mô doanh nghiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp cũng sẽ chịu sức ép cạnh tranh về các mặt hàng tương đồng lớn hơn, nên cần có chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh khi tham gia sân chơi này.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit, về lý thuyết, thị trường mở rộng hơn thì cơ hội cho doanh nghiệp cũng gia tăng, nhất là trong xuất khẩu hàng hóa và trao đổi thương mại. 

Việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong xuất khẩu, trao đổi thương mại cũng như tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu sau những đổ vỡ, đứt gãy vì đại dịch Covid-19.

Có cùng quan điểm, ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều nước có tính tương đồng cao trong RCEP.

Theo ông Minh, RCEP đi vào thực thi giúp thuế quan giảm mạnh, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa nên luồng hàng cũng sẽ được lưu chuyển nhanh hơn giữa các quốc gia. Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường tới 15 nước tham gia Hiệp định.