Doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu: Chưa có bước đột phá
Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng và tìm cơ hội thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến.
Khẳng định những thành quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hạn chế lớn nhất trong thu hút FDI là sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn rời rạc, không gắn kết; đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI; mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.
Mối liên kết lỏng lẻo
Tình trạng doanh nghiệp Việt Nam khó “chen chân” để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam đã diễn ra nhiều năm, song mức độ cải thiện tình trạng này rất thấp.
Chỉ ra những con số còn tham gia quá thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao của Canon Việt Nam cho biết, hiện công ty đa quốc gia này có 340 nhà cung cấp trên toàn cầu; trong đó, tại Việt Nam có 147 nhà cung cấp; trong số này có 20 nhà cung cấp thuần Việt Nam.
“Con số này cũng chưa tăng lên trong mấy năm qua. Canon đã nội địa hóa 65% nhưng phần lớn lại 'rơi' vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Canon hiện có 59 hạng mục cần nội địa hóa tại Việt Nam. Chúng tôi mong tìm được những nhà cung cấp mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Canon,” bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, Samsung cởi mở và có môi trường cạnh tranh bình đẳng dành cho các đối tác. Tính cạnh tranh của doanh nghiệp là giá thành và chất lượng sản phẩm.
Song, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc thay đổi dây chuyền, công nghệ là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Khi đã xác định cung ứng linh kiện điện tử cho Samsung thì chúng ta phải từ thay đổi tư duy và nâng cao năng lực sản xuất của mình,” ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Thừa nhận mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có 2 nguyên nhân lớn dẫn tới điều này; đó là các doanh nghiệp FDI thường có sẵn hệ sinh thái, chuỗi khép kín nên doanh nghiệp Việt Nam khó “chen chân.”
Và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ bé, nguồn lực hạn chế nên khó đáp ứng yêu cầu khắt khe của các khách hàng lớn.
“Đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá,” Bộ trưởng chia sẻ.
Dù đã trở thành một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của Panasonic, song ông Lê Cảnh Dương, Tổng giám đốc công ty VPMS thừa nhận, khi gặp các đơn hàng lớn của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam thường e dè. Doanh nghiệp sẽ phải bình tĩnh để xử lý từng bước các yêu cầu của bên mua hàng.
Theo bà Dương Liên, Phó Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vướng mắc trong kết nối; trong đó, vấn đề quan trọng là năng lực chưa sẵn sàng. Việt Nam vẫn thường nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất.
Đơn cử như ngành may mặc nhập khẩu 70-80% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, công nghiệp điện tử nhập khẩu sản phẩm đầu vào lên tới 77% tổng giá trị sản phẩm, dược phẩm nhập 85-90%. Ngành nhựa nhập khẩu các sản phẩm đầu vào chiếm đến 70-80% chi phí sản xuất.
Tìm kiếm cơ hội mới trong trạng thái mới
Để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần chuẩn bị ngay những điều kiện như chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực - số lượng và chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Và để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển, cần giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển; cải thiện thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh chóng. Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định, dự đoán được, chuyển từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi.”
Bên cạnh đó, cũng không quên phòng ngừa nguy cơ hàng hóa nước ngoài, hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam nhằm gian lận, lẩn tránh xuất xứ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quá trình này cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan: vai trò của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xác định các ưu tiên chiến lược, tạo ra các khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc đổi mới, nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội từ xu thế mới; vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong xúc tiến liên kết giữa các doanh nghiệp là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược của Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp FDI phải cam kết mua hàng thì mới sẵn sàng đi vay vốn để đầu tư công nghệ, đảm bảo sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp FDI đặt ra.
Tuy nhiên, đây là thị trường mở, giữa các doanh nghiệp có sự cạnh tranh bình đẳng, thể hiện ở giá của từng linh kiện nhỏ. Ngoài tiêu chí sản xuất và quản lý chất lượng, Samsung khuyến khích các đối tác không ngừng nghiên cứu phát triển và cải tiến sản phẩm; tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, quản lý rủi ro về tín dụng...
“Các doanh nghiệp đừng quá nghĩ đến thị trường nội địa hay chăm chăm vào một đối tác nào đó. Đây là tư duy khá rủi ro. Bởi vì, ngoài Samsung Việt Nam, khi tham gia vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt có thể cung ứng cho các tổ hợp của Samsung ở nước khác, hay ngoài Samsung còn có nhiều doanh nghiệp khác như LG, Panasonic...,” ông Tuấn khuyến nghị.
Về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Phạm Duy Nhất, Tổng giám đốc Công ty JAT thừa nhận là nhiều khi chưa đủ quyết tâm và kiên nhẫn nên bị bỏ lại ở một khoảng cách khá xa. Rào cản nữa là về năng lực máy móc, thiết bị. Đầu tư vài chục tỷ đồng mà không biết có đơn hàng hay không là câu hỏi cứ luẩn quẩn mãi với doanh nghiệp.
Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bản thân doanh nghiệp Việt phải có mong muốn tự thân, đừng sợ hãi, dám chấp nhận rủi ro để quốc tế hóa, từ đó mới chủ động nâng cao quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực... Hiện COVID-19 đang “đóng băng” nền kinh tế toàn cầu, đây là cơ hội cho doanh nghiệp cải thiện hệ thống, vì trước đây quá bận rộn nên không có thời gian để làm.
Một đại diện doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, luôn khát khao tìm cách để lớn, nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp rất cần các trung tâm kiểm nghiệm, xử lý tiệt trùng đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu để giảm thiểu chi phí đưa hàng từ miền Bắc vào miền Nam.
Nhà nước cũng cần tạo cơ chế huy động sức mạnh của các hiệp hội ngành nghề để cùng sản xuất theo quy mô lớn, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng cho các doanh nghiệp quốc tế lớn.
Bà Hoàng Thu Thủy, Phó Tổng giám đốc bộ phận mua hàng toàn cầu, Panasonic Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp FDI rất tích cực và muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của công ty cũng rõ ràng, chỉ cần doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được, tự tin chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng của mình thì có thể tham gia vào chuỗi.
Hiện, dịch COVID-19 đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới, là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác, thị trường quan trọng của Việt Nam.
Vì vậy, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay; đồng thời, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến.
“ Các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.