Không có doanh nghiệp nào có nguồn lực lớn để thao túng thị trường vàng

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Giá vàng trong nước tăng mạnh là do sức mua cũng tăng, nhiều người chuyển từ kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiết kiệm sang mua vàng, trong khi đó nguồn cung vàng SJC không nhiều, nên doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu, khiến giá bị đẩy lên cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sau 3 phiên giảm sâu, giá vàng ngày 11/8 đã rơi thủng ngưỡng 55 triệu đồng/lượng. Nhiều người mua vàng đã chứng kiến khoản lỗ lên tới 7 triệu đồng/lượng chỉ sau 3 phiên giao dịch.

Giá vàng lao dốc

So với phiên giao dịch ngày 7/8 giá vàng tăng sốc tạo đỉnh cao kỷ lục mới trên 62 triệu đồng/lượng, mở đầu phiên giao dịch chiều ngày 11/8 Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh mạnh giá vàng miếng SJC với mức giảm lên tới khoảng 7 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, đưa giá vàng miếng thương hiệu quốc gia về 53,73 – 55,63 triệu đồng/lượng.

Tính đến đầu giờ chiều ngày 11/8, giá vàng SJC tại các doanh nghiệp khác trên thị trường đang giao dịch phổ biến quanh 54 - 56 triệu đồng/lượng.

Chẳng hạn, giá vàng SJC tại DOJI trên thị trường Hà Nội đang niêm yết ở mức 54,2 – 56 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), còn TP. Hồ Chí Minh là 54,3 – 56 triệu đồng/lượng. Vàng SJC đang được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 54 – 55,6 triệu đồng/lượng.

Như vậy, kể từ khi lập đỉnh mới vào ngày 7/8 giá vàng liên tục lao dốc, giúp giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 4,9 USD lên 2.027,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm xuống gần 2.018 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York giảm 11,7 USD xuống 2.015,6 USD/ounce. Giá vàng thế giới phiên ngày thứ hai trong tuần hồi phục kỹ thuật sau phiên giảm sâu cuối tuần trước.

Mặc dù vậy, nhiều nhận định vẫn cho rằng, giá vàng trong trung hạn sẽ còn tiếp tục tăng do quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, cuộc bầu cử tại Mỹ đang đến gần và đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể được kiểm soát hoàn toàn.

Có phải doanh nghiệp vàng đang “làm giá”?

Trước tình trạng thị trường vàng đang "nóng" gần đây. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo các tổ chức tín dụng theo dõi sát giá vàng thế giới và trong nước để thông tin, khuyến cáo người dân, ổn định tâm lý thị trường, không để ảnh hưởng đến vĩ mô.

Đánh giá về biến động giá vàng trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, thị trường trong nước và quốc tế có liên thông, nhưng mức độ vừa phải vì các doanh nghiệp không được xuất nhập khẩu vàng. Thị trường chủ yếu do nhu cầu mua bán, tích trữ của dân là chính.

Ngoài ra, thị trường vàng Việt Nam đang được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nên đã tránh được nhứng cú “sốc”, người dân không đổ xô đi mua bán vàng như trước đây.

Trước ý kiến cho rằng, giá vàng trong nước thời gian qua tăng mạnh và cách xa so với giá vàng thế giới là do các doanh nghiệp kinh doanh vàng “làm giá”, ông Hùng khẳng định không làm giá được, vì không có doanh nghiệp nào có nguồn lực lớn để thao túng thị trường.

"Các doanh nghiệp chỉ mua đi bán lại, họ cũng ngại đầu cơ vì sợ rủi ro. Hơn nữa, giá vàng trong nước tăng mạnh là do sức mua cũng tăng, nhiều người chuyển từ kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiết kiệm sang mua vàng, trong khi đó nguồn cung vàng SJC không nhiều, nên doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu, khiến giá bị đẩy lên cao hơn. Còn vàng nguyên liệu vẫn theo giá quốc tế nên không chênh lệch nhiều", ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Về việc NHNN chưa can thiệp vào thị trường vàng kể cả trong thời điểm giá vàng tăng cao kỷ lục, ông Hùng cho rằng, Nghị định 24 chính là “công cụ” điều tiết thị trường của cơ quan quản lý. Những ngày qua thị trường không có biến động dân ồ ạt mua vàng. Vì vậy, việc để thị trường tự điều tiết cung cầu, còn tình hình không bình thường thì NHNN mới can thiệp.

Nhận định về giá vàng trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng, có những yếu tố về giá còn tiếp tục lên nữa, nhất là khi Chính phủ các nước bơm tiền ra cứu nền kinh tế, duy trì lãi suất thấp, có nơi lãi suất âm.

Về dài hạn, các quỹ đầu tư trên thế giới có thể nhận thấy lạm phát, nên chuyển sang mua vàng, điều này sẽ đẩy giá vàng lên. Giá vàng quốc tế lên thì trong nước cũng lên theo bởi nguồn cung không nhiều như trước.

"Hiện nay, hoạt động mua bán vàng của người dân trong nước vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng của tâm lý đám đông, nên chúng ta phải thật bình tĩnh để nhận định. Nếu người mua vàng xem vàng là tài sản cất giữ thì khác, nhưng mua vàng để đầu tư, đầu cơ kiếm lời thì sẽ nhiều rủi ro do giá vàng lên xuống thất thường”, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chia sẻ.