Doanh nghiệp xã hội - xu hướng kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp Việt
(Tài chính) Giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp là làm sao có thể phát triển bền vững? Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những hướng đi bền vững cho doanh nghiệp nước ta trong thời gian tới là phát triển hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp xã hội.
Theo Giám đốc phụ trách Nguồn lực doanh nghiệp của tổ chức Doanh nghiệp xã hội Anh Marie Magimay, doanh nghiệp xã hội được định nghĩa là các tổ chức có mục tiêu xã hội hàng đầu, lợi nhuận được tái đầu tư trở lại doanh nghiệp hoặc cộng đồng chứ không được sử dụng để tối đa lợi nhuận cho những người chủ và cổ đông. Ngoài ra, còn có một số khái niệm thú vị như, doanh nghiệp xã hội là một phong trào chung trên thế giới, được gắn kết bằng một sự cam kết đơn giản rằng, các thách thức lớn nhất của xã hội sẽ có thể được giải quyết thông qua kinh doanh một cách khác đi. Như vậy, việc tìm kiếm lợi nhuận đối với doanh nghiệp xã hội là phương tiện chứ không phải là mục tiêu cuối cùng; nói một cách khác, đây là giải quyết vấn đề xã hội theo phương thức kinh doanh.
Bà Marie Magimay còn chia sẻ, hình thức doanh nghiệp xã hội đã có lịch sử phát triển lâu đời tại Vương quốc Anh, và đây cũng là nơi mà loại hình doanh nghiệp này đã đạt được nhiều thành công trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế như sức khỏe và chăm sóc xã hội, năng lượng tái chế, thực phẩm, nhà ở, bán lẻ và giao thông. Tính đến hết năm 2013, đã có khoảng 70 nghìn doanh nghiệp xã hội, chiếm 5% tổng số doanh nghiệp tại Anh. Các doanh nghiệp này đã mang lại nguồn thu 24 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế và mang lại việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Có thể thấy, loại hình doanh nghiệp xã hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp xã hội hiện vẫn còn hạn chế do các doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp xã hội vẫn chưa có địa vị pháp lý rõ ràng, chưa được công nhận chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó làm cho các doanh nghiệp xã hội khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ tài chính và công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Chris Brown, tác động của khủng hoảng kinh tế cùng sự bất ổn của kinh tế toàn cầu đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng lớn cho các doanh nghiệp là cần có phương thức kinh doanh sáng tạo hơn và đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế bền vững. Loại hình doanh nghiệp xã hội chính là một trong những giải pháp phù hợp giải quyết những vấn đề đó. Mô hình doanh nghiệp xã hội hiện đang phát triển ngày một mạnh mẽ; song, để tối ưu hóa ảnh hưởng tích cực của loại hình này cần có sự hỗ trợ, hợp tác tích cực, thống nhất từ Nhà nước, khối tư nhân và khối xã hội dân sự.
Ở nước ta, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi tích cực nhằm phát triển loại hình doanh nghiệp này. Đồng thời, tạo môi trường phát triển bền vững cho các doanh nghiệp xã hội thông qua việc luật hóa các quy định liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp này hoạt động thuận lợi hơn. Phát triển doanh nghiệp xã hội chính là phát triển phương thức kinh doanh cùng người yếu thế trong xã hội, tạo ra mối quan hệ hai bên cùng có lợi và mang lại lợi thế cạnh tranh cho việc kinh doanh bền vững.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nước ta cần tìm ra những hướng đi mới như tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững toàn cầu mang lại. Một doanh nghiệp thành công không chỉ quản lý, tác động môi trường nội tại mà còn phải tạo ra giá trị cho cộng đồng liên quan. Vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa tạo ra thu nhập thương mại, hai mục tiêu đó luôn song hành, hỗ trợ nhau trong một doanh nghiệp xã hội.