Đổi mới chính sách tài chính với hoạt động khoa học công nghệ: Thực trạng và một số kiến nghị
(Tài chính) Đổi mới cơ chế tài chính là một trong các giải pháp quan trọng để “đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ khoa học và công nghệ”, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ của đất nước. Hàng loạt cơ chế, chính sách pháp luật tài chính liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ được đổi mới trong thời gian qua đã tạo động lực quan trọng cho lĩnh vực này phát triển, tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn những bất cập cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện…
Từ đổi mới về cơ chế tài chính…
Cùng với quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, trong những năm qua Việt Nam luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong mỗi giai đoạn, cơ chế chính sách và sự đầu tư cho phát triển KH&CN được Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN ban hành đều bám sát yêu cầu thực tiễn. Cụ thể: năm 2004, Thủ tướng phê duyệt Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28/9/2004 về Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN trong đó có nội dung “Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN”. Những giải pháp chính trong đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động KH&CN gồm: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho KH&CN; Đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN)…
Tiếp theo đó, đến giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các Quyết định số 1244/ QĐ-TTg ngày 25/7/2011 về Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020. Theo đó, định hướng đổi mới được xác định cụ thể là: Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% vào năm 2020; Huy động các nguồn vốn ngoài NSNN cho hoạt động này (sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập Quỹ KH&CN của doanh nghiệp hoặc đưa vào Quỹ Phát triển KH&CN của địa phương). Đồng thời, xây dựng cơ chế để khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán nguồn NSNN đầu tư cho KH&CN, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả đầu tư; Xây dựng quy định về nguyên tắc, tiêu chí và quy trình phân bổ kinh phí ngân sách đầu tư cho KH&CN; Xây dựng cơ chế có thể điều tiết ngân sách KH&CN đã phân bổ phù hợp với nhu cầu, năng lực và tình hình thực tế sử dụng ngân sách; Đổi mới quy trình, thủ tục lập kế hoạch ngân sách KH&CN hàng năm (thời điểm phê duyệt nhiệm vụ KH&CN linh hoạt); Xây dựng lộ trình tăng dần tỷ trọng vốn ngân sách sự nghiệp khoa học thông qua các quỹ như Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia.
Trong giai đoạn 2003-2013, hàng năm NSNN luôn ưu tiên bố trí đủ 2% tổng chi NSNN dành cho KH&CN (tương đương 0,5 - 0,6% GDP), tốc độ tăng chi bình quân hàng năm là 18,6%, tương đương với tốc độ tăng tổng chi NSNN. Đến nay, NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm 65-70% tổng đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN. Cùng với mức chi 2% tổng chi NSNN dành cho KH&CN (là mức cao so với mặt bằng chung của các quốc gia trên thế giới), Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi phù hợp với đặc thù của KH&CN. Ví dụ như việc lập, phân bổ dự toán, quyết toán cho các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước đến nay đã được thực hiện linh hoạt. Bên cạnh đó, đối với các nhiệm vụ đột xuất qua các Quỹ KH&CN, hàng năm NSNN bố trí 200 tỷ đồng vốn điều lệ cho Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia.
Trong quá trình thực hiện dự toán, hiện đã áp dụng cơ chế cấp phát kinh phí linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của hoạt động KHCN. Theo đó, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm các nhiệm vụ KHCN mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước và được rút kinh phí theo tiến độ thực hiện, tạo sự chủ động khi triển khai các nhiệm vụ KHCN. Việc cấp kinh phí có thể được thực hiện tại bất cứ thời điểm nào trong năm, không bị giới hạn bởi thời gian thẩm tra, phân bổ NSNN hàng năm.
Trong tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí cũng được thông thoáng hơn. Các nhiệm vụ KH&CN được hưởng cơ chế tạm ứng kinh phí thực hiện từ NSNN cao hơn so với việc tạm ứng vốn đầu tư phát triển và các lĩnh vực khác. Cụ thể, các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước được xem xét tạm ứng tới 100% kinh phí phân bổ trong năm, nhưng không vượt quá 70% tổng dự toán của nhiệm vụ; sau khi đã thanh quyết toán 50% mức kinh phí đã tạm ứng, các nhiệm vụ này tiếp tục được tạm ứng các đợt tiếp theo, tạo điều kiện cho các nhà khoa học chủ động trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về dự toán và sử dụng ngân sách KH&CN cũng được đổi mới theo hướng: Xây dựng định mức và quy định bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên của các tổ chức KH&CN công lập trong dự toán các nhiệm vụ KH&CN và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; Hoàn thiện cơ chế khoán kinh phí (khoán theo sản phẩm cuối cùng); Đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán; Điều chỉnh và bổ sung các nội dung chi cũng như định mức kinh phí theo từng nội dung chi của nhiệm vụ KH&CN (mua sắm trang thiết bị, mua quyền sở hữu trí tuệ, mua thiết kế, bí quyết công nghệ, phần mềm, thuê chuyên gia, truyền thông, kinh phí dự phòng...); Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn và một số văn bản pháp quy liên quan đến công tác tài chính KH&CN.
…Đến Luật hóa các quy định
Để tận dụng cơ hội hợp tác quốc tế phát triển KH&CN trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và rộng, rất cần có những chính sách quản lý khoa học hợp lý. Năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật KH&CN (thay thế Luật KH&CN năm 2000) để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Những quy định về cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN cũng đã có bước thay đổi cơ bản. Về đầu tư từ NSNN cho KH&CN, Luật KH&CN khẳng định rõ mức chi ngân sách hàng năm cho KHCN từ 2% trở lên và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ. Việc giao kinh phí sẽ áp dụng cơ chế khoán, cơ chế Nhà nước đặt hàng và cơ chế Quỹ để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tránh được việc phải lo quyết toán hàng năm. Ngoài ra, những dự án quan trọng đặc biệt của quốc gia sẽ áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt.
Luật KH&CN sửa đổi đã đưa ra các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư để đổi mới công nghệ trong sản xuất và kinh doanh. Luật KH&CN quy định các doanh nghiệp nhà nước trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển KH&CN. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích trích thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình (tối đa 10% theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp) hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ.
Có thể nói, Luật KH&CN năm 2013 đã có những quy định mang tính đột phá để khắc phục một số tồn tại trong hoạt động khoa học công nghệ, cụ thể: (1) Luật hóa tỷ lệ đầu tư tối thiểu 2% từ NSNN hàng năm dành cho KH&CN, tăng cường việc thực hiện khoán chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; (2) Hệ thống hóa việc phân cấp quản lý và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; (3) Bổ sung các quy định về việc thành lập các tổ chức KH&CN nhằm thúc đẩy việc thành lập và tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với các tổ chức KH&CN ngoài công lập và doanh nghiệp KH&CN; (4) Bổ sung các ưu đãi nhằm thu hút các cá nhân tham gia hoạt động KH&CN; (5) Luật hóa các quy định nhăm thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN.
Những bất cập tồn tại
Các nhóm giải pháp tài chính cho hoạt động KH&CN khá linh hoạt, nhưng vẫn chưa hết những bất cập, vướng mắc trong thực hiện. Vướng mắc không phải vì không có tiền mà các đề tài, nhiệm vụ khoa học phải qua rất nhiều khâu, từ lựa chọn, thẩm định cho đến phê duyệt đề tài. Cơ chế tài chính chi theo dự toán, các nhà khoa học muốn rút tiền phải nộp đầy đủ chứng từ… Nhiều cơ chế, chính sách đã được thực hiện theo hướng hỗ trợ thuận nhất cho hoạt động KH&CN nhưng với quy trình xét duyệt như hiện nay dù có giải ngân ngay thì thời điểm giao kinh phí cũng cách thời điểm đề xuất nhiệm vụ hàng năm. Chưa kể, ngành KH&CN còn phải áp dụng thêm quy trình thẩm định lại một lần nữa đề tài đã được phê duyệt khi tiến hành giải ngân, khiến việc cấp kinh phí nghiên cứu đã chậm càng thêm chậm.
Thời gian qua, phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN là phân bổ đều cho các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành dựa trên số kinh phí giao năm trước mà không dựa vào những căn cứ, tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Có nhiều địa phương, tiềm lực KH&CN yếu, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thiếu và yếu nhưng vẫn được giao kinh phí khá lớn dẫn đến việc sử dụng không hết hoặc đầu tư cho các hạng mục công trình khác của địa phương. Trong khi đó, các bộ, ngành có tiềm lực KH&CN mạnh, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao rất đông đảo thì nguồn lực được bố trí lại không phù hợp với nhu cầu nghiên cứu. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là lãng phí nguồn kinh phí, hiệu quả hoạt động KH&CN thấp, không tương thích với nguồn kinh phí đầu tư.
Thực tế cho thấy, kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu KH&CN ngày càng gia tăng, khối lượng nghiên cứu khổng lồ nhưng đề tài có thể ứng dụng được trong sản xuất và đời sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói cách khác hiệu quả thu được chưa tương xứng với đồng vốn Nhà nước đầu tư cho KH&CN. Theo thống kê của Bộ KH&CN, chỉ riêng công tác nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp, tổng kinh phí giai đoạn 2008 - 2013 được Bộ Tài chính giải ngân là hơn 12.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% đề tài nghiên cứu thực sự hiệu quả.
Mặt khác, nhiều năm nay, cơ chế giám sát sử dụng kinh phí đối với các nhiệm vụ KH&CN rất lạc hậu, chậm được đổi mới. Các thủ tục thanh, quyết toán đề tài, nhiệm vụ KH&CN rườm rà, mang nặng tính hành chính, buộc nhà khoa học phải đối phó, gian dối, làm nản lòng nhiều nhà khoa học chân chính.
Đề xuất một số giải pháp
Đổi mới cơ chế tài chính là một bộ phận trong việc đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về cơ chế quản lý, hoạt động, cơ chế tổ chức KH&CN, trong đó cần tập trung vào các giải pháp lớn như:
Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới toàn diện và đồng bộ tổ chức và hoạt động KH&CN để đảm bảo chi có hiệu quả 2% tổng chi NSNN. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc đến việc không cân đối chi KH&CN theo tỷ lệ chi NSNN mà cân đối theo dự toán, gắn với nhu cầu, nhiệm vụ cụ thể hàng năm. Mặt khác, có thể hơn 2% nhưng phải gắn liền với nhiệm vụ cụ thể tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, hiện nay, khuôn khổ tài chính trung hạn và khuôn khổ chi tiêu trung hạn đang được thí điểm đưa vào trong quy trình lập dự toán NSNN. Vì vậy, có thể nghiên cứu thay thế quy định cứng dành 2% tổng chi NSNN hàng năm bằng việc đưa ra các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu vào khuôn khổ tài chính trung hạn và chi tiêu trung hạn, thể hiện những ưu tiên trong lĩnh vực KH&CN trong trung hạn để bố trí nguồn ngân sách phù hợp. Cùng với đó, giải quyết triệt để những vướng mắc về thủ tục hành chính gây ra. Cải cách thủ tục hành chính, cũng góp phần khắc phục tình trạng giải ngân quá chậm do phải dành quá nhiều thời gian cho các thủ tục về tài chính.
Thứ ba, trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp, để nâng cao hiệu quả đầu tư, Nhà nước cần kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún. Cần khảo sát, đánh giá chính xác tiềm lực KH&CN của các bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ đầu tư. Đồng thời, thống nhất cơ quan quản lý đầu tư cho KH&CN vào một đầu mối, không nên để tình trạng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển KH&CN, Bộ KH&CN chủ trì xây dựng kế hoạch đầu tư sự nghiệp KH&CN như hiện nay.
Thứ tư, đổi mới thủ tục thanh, quyết toán kinh phí thực hiện. Nên thực hiện áp dụng cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH&CN cuối cùng, giao quyền chủ động tối đa cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN trong sử dụng kinh phí. Nhà nước chủ động mua kết quả nghiên cứu KH&CN.
Thứ năm, Nhà nước cần tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động KH&CN. Đối với các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng các bộ, ngành, địa phương nên phân bổ kinh phí trực tiếp cho bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Đối với các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm quốc gia, mang tính liên ngành nên cấp kinh phí cho Bộ KH&CN quản lý hoặc thông qua các quỹ phát triển KH&CN.
Thứ sáu, thay vì cấp kinh phí trực tiếp thì việc đặt hàng nghiên cứu KH&CN được xem là giải pháp tối ưu không chỉ giải quyết khâu tìm đề tài phù hợp cho các nhà khoa học mà còn bảo đảm kinh phí đầu tư có hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, giảm thiểu lãng phí.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg ngày 28/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN”;
2. Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015”;
3. Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020;
4. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;
5. Hội thảo “Cơ chế chính sách và tài chính trong KH&CN và đổi mới sáng tạo” (tháng 5/2014);
6. Tạp chí Tài chính; FinancePlus.vn; Mof.gov.vn…