Đổi mới chính sách tiền lương tạo động lực làm việc cho người lao động: Một số vấn đề trao đổi
Tiền lương có vai trò quan trọng đối với người lao động (NLĐ), nghiên cứu đổi mới chính sách tiền lương nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về chi trả tiền lương cho NLĐ gắn với đời sống thực tế của NLĐ là nhu cầu rất cấp thiết. Bài viết đi vào nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để nâng cao nhận thức về trả lương cho NLĐ phù hợp với cung cầu lao động trên thị trường.
Tính cấp thiết phải đổi mới chính sách tiền lương
Lý luận về tiền lương
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đời sống của NLĐ ngày càng nâng cao, vì vậy nhu cầu tiêu dùng trong xã hội cũng theo đó tăng lên nhiều.
NLĐ được trả lương và dùng phần lớn tiền lương được trả vào tiêu dùng. Phần lớn NLĐ trông chờ vào tiền lương hàng tháng để chi trả cho sinh hoạt, tuy nhiên tiền lương của NLĐ nhiều khi không đảm bảo được chi tiêu cho đời sống sinh hoạt.
Trong những năm qua, cải cách chính sách tiền lương mang lại thu nhập cao hơn cho NLĐ luôn là vấn đề được Chính phủ, Đảng và các Bộ, Ngành, địa phương và chính bản thân NLĐ chú trọng và quan tâm. Tuy nhiên, thực tế mối quan hệ tiền lương với chi tiêu cuộc sống của NLĐ chưa thay đổi nhiều và phần lớn NLĐ đều chưa thể sống bằng đồng lương hàng tháng.
Bên cạnh đó, tiền lương được trả của NLĐ chưa gắn liền với sức lao động bỏ ra khiến năng suất lao động, kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh, mức tăng trưởng của nền kinh tế chưa đạt được như mong muốn do bản chất động lực làm việc của NLĐ có liên quan đến thu nhập, tiền lương được hưởng.
Chính vì vậy, nghiên cứu về tiền lương là vấn đề quan trọng bởi đây là vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của NLĐ, đồng thời là vấn đề quan trọng việc góp phần ổn định an sinh xã hội và đặc biệt trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Khi tiền lương được trả đúng với sức lao động bỏ ra của NLĐ và đủ để trang trải cho cuộc sống thì tình hình an ninh, xã hội sẽ ngày càng phát triển và không tác động nhiều đến mất ổn định xã hội.
Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm rất nhiều về mọi mặt để cải thiện đời sống của NLĐ, luôn coi đổi mới và nâng cao mức sống của NLĐ thông qua tiền lương là cốt yếu và được cụ thể hóa trong nội dung nghị quyết của Đảng đã thể hiện rõ: “Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay”.
Từ nghị quyết của Đảng các cơ quan Bộ, ngành, địa phương triệt để nghiên cứu mối quan hệ tiền lương và chất lượng cuộc sống của NLĐ từ nghiên cứu kỹ các mối quan hệ này khi trả lương phải tính đến sự cân đối của mối quan hệ giá trị hàng hóa - sức lao động của người công chức hành chính và mối tương quan với tiền lương, tiền công lao động của khu vực ngoài nhà nước đảm bảo mức sống của người lao động không được quá chênh lệch nhau.
Chính sách tiền lương là một chính sách quan trọng, thông qua chính sách này sẽ tác động mạnh mẽ đến các chủ thể như tổ chức, doanh nghiệp, NLĐ và cư dân toàn xã hội.
Tiền lương hiện nay ở nước ta chưa phản ánh đúng giá trị sức lao động của NLĐ mà sức lao động cũng là một loại hàng hóa đặc biệt phải tuân theo mối quan hệ cung cầu lao động theo quy luật của thị trường mà ở đó sức lao động được trả phải được trả tương xứng với vị trí công việc được giao để họ tập trung vào thực hiện nhiệm vụ được giao và không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tiền lương là số tiền mà người chủ sử dụng lao động trả cho NLĐ theo một số lượng công việc nhất định theo thời gian.
Tiền lương không chỉ đơn giản là phản ánh quan hệ kinh tế giữa người sử dụng lao động và NLĐ mà do tính chất đặc biệt của loại hàng hóa đặc biệt là sức lao động nên tiền lương còn chứa đựng một trọng trách của vấn đề xã hội rất quan trọng liên quan đến đời sống và trật tự xã hội và an sinh xã hội.
Tiền lương là một trong những chính sách kinh tế - xã hội quan trọng góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế và giải quyết công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước khai thác tiềm năng sáng tạo của NLĐ các chính sách tiền lương phải nằm trong khuôn khổ pháp lý và theo những chính sách của Chính phủ nhưng mặt khác tiền lương chịu sự tác động và chi phối rất lớn của thị trường và thị trường lao động.
Do vậy, tiền lương của người NLĐ không chỉ là việc thu nhập của riêng người lao động mà chính là vấn đề uy tín của bộ máy Nhà nước trong việc hoạch định chính sách là phục vụ yêu cầu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp hiện đại tương thích với công vụ các nước trong khu vực và trên thế giới chính những điều này góp phần làm gia tăng các giá trị xã hội.
Theo C. Mác: "Tiền lương là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá sức lao động, là giá cả của hàng hoá sức lao động" và đưa ra công thức tính giá trị hàng hoá sức lao động như sau: C. Mác cho rằng, giá trị của hàng hóa sức lao động do số lượng lao động cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra nó quyết định.
Nó được tính gián tiếp thông qua lương lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra toàn bộ các tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất và tái sản xuất lao động còn bao hàm cả yếu tố tinh thần và yếu tố lịch sử.
Chức năng của tiền lương
Tiền lương đóng vai trò chủ yếu trong thực hiện quy luật phân phối lao động, nó vận động trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy luật khác như điều kiện lao động các tiêu chuẩn lao động, chế độ làm việc, lợi nhuận, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và các chính sách xã hội khác, nó đảm bảo chức năng rất quan trọng trong quản lý vĩ mô cũng như trong tổ chức.
Chức năng thước đo giá trị sức lao động: Tiền lương trả cho NLĐ được phản ánh đó chính là sức lao động mà họ bỏ ra và nhận lại một sự ngang giá đó chính là tiền lương. Giá trị của hàng hóa này được xác định đo lường theo quy luật cung cầu lao động trên thị trường.
Đối với mỗi loại lao động khác nhau thì giá trị sức lao động sẽ khác nhau phụ thuộc vào tính chất kỹ thuật của việc làm, tính chất kinh tế của việc làm, các yêu cầu về năng lực và phẩm chất của NLĐ như trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề thành thạo trong lĩnh vực.
Chức năng tái sản xuất sức lao động: Tiền lương là thước đo của giá trị sức lao động, tiền lương được hưởng của NLĐ được tiêu dùng dưới dạng vật chất và phi vật chất do NLĐ quyết định. Trong quá trình lao động, NLĐ tiêu hao thể lực và trí lực nhằm chuyển hóa thành giá trị các sản phẩm dịch vụ mà họ được sử dụng.
Có nhiều thứ rất cần thiết để bù đắp sự tiêu hao này như lương thực thực phẩm và các tư liệu sinh hoạt khác, qua đó NLĐ sẽ tái tạo được thể lực và trí lực phục vụ công việc. Việc nhận được số lượng tiền lương bao nhiêu để chi tiêu cho tái sản xuất sức lao động là tùy thuộc vào tiền lương mà NLĐ được hưởng.
Trong nền kinh tế thị trường, sức lao động là yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất, nếu sức lao động không đảm bảo thì quá trình sản xuất của tổ chức doanh nghiệp không đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Chức năng kích thích: Khả năng lao động của NLĐ tùy thuộc vào nhiều yếu tố thuộc phạm trù vật chất và tinh thần, mang lại cho NLĐ động lực làm việc, kích thích NLĐ hăng hay hơn trong công việc. Đứng về góc độ thỏa mãn nhu cầu của NLĐ thì phần lớn động lực làm việc lớn nhất của họ chính là giá trị của tiền lương mà họ được hưởng.
Nếu tiền lương được hưởng nhiều và tương xứng với sức lao động mà NLĐ bỏ ra thì động lực làm việc của NLĐ càng lớn và hiệu quả. Đối với doanh nghiệp, việc trả lương càng lớn cho NLĐ thì tính kích thích đối với NLĐ càng cao, tổ chức doanh nghiệp sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp.
Tiền lương có chức năng bảo hiểm tích lũy: Trong quá trình lao động, NLĐ ngoài việc trang trải cho bản thân còn nuôi dưỡng gia đình và tích lũy dự phòng. Việc quỹ tiền lương tích lũy được góp phần cho NLĐ chi tiêu vào lúc cần thiết. Trong cơ cấu tiền lương, nếu tiền lương của NLĐ cao thì quỹ tích lũy của NLĐ được đảm bảo và đó chính là việc nhà quản lý cần hướng tới.
Tiền lương đảm bảo chức năng xã hội: Trong ổn định đời sống của NLĐ, doanh nghiệp quy định mỗi NLĐ được hưởng lương góp phần ổn định cuộc sống, đóng góp an sinh xã hội. Đối với mỗi một xã hội, tiền lương của NLĐ ổn định sẽ góp phần ổn định xã hội. Vì vậy nhận thức rõ ràng chức năng của tiền lương là nhiệm vụ của mỗi nhà hoạch định chính sách về tiền lương để mang lại những chính sách có tác động tích cực đến NLĐ.
Vai trò của tiền lương đối với người lao động
Tiền lương có vai trò quan trọng đối với cả NLĐ và người sử dụng lao động. Đối với NLĐ, tiền lương có tác dụng bù đắp lại sức lao động, đồng thời động viên khuyến khích NLĐ yên tâm làm việc, NLĐ chỉ có thể yên tâm dồn hết sức mình cho công việc nếu công việc ấy đem lại cho họ một khoản đủ để trang trải cuộc sống. Đối với người sử dụng lao động, tiền lương thể hiện rõ vai trò chức năng của mình trong quản lý và vai trò đối với Nhà nước và xã hội.
Thực tế hiện nay, tiền lương còn được coi như một thước đo chủ yếu về trình độ lành nghề và thâm niên nghề nghiệp, về khía cạnh đánh giá NLĐ rất tự hào về mức lương cao, muốn được tăng lương mặc dù tiền lương có thể chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập của họ tiền lương.
Còn với NLĐ có thu nhập thấp, tiền lương là nguồn chủ yếu nuôi sống bản thân và gia đình họ, nếu tiền lương nhận được đúng với công sức bỏ ra sẽ là động lực kích thích tăng năng lực sáng tạo tăng năng suất lao động, tạo ra hoà khí cởi mở giữa những NLĐ, từ đó tạo thành khối đoàn kết thống nhất vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và vì lợi ích phát triển bản thân.
Tiền lương là một đòn bẩy quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, chi cho tiền lương là chi cho đầu tư phát triển. Mặt khác tổ chức tiền lương trong doanh nghiệp công bằng và hợp lý sẽ góp phần duy trì, củng cố và phát triển lực lượng lao động của mình.
Đối với nhà quản trị một trong những quan tâm hàng đầu là phải theo dõi đầy đủ công tác tổ chức tiền lương, lắng nghe phát hiện kịp thời những ý kiến có khả năng xuất hiện trong phân phối tiền lương tiền thưởng, qua đó để điều chỉnh thỏa đáng và hợp lý nhằm bảo đảm phát triển và ổn định sản xuất duy trì một đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ cao với ý thức tổ chức kỷ luật tạo sức mạnh cho doanh nghiệp đạt được mọi mục tiêu đề ra.
Đối với đơn vị sử dụng lao động, tiền lương thể hiện chính sách phân phối thu nhập của tổ chức, từ đó tổ chức đơn vị thể hiện vai trò tạo động lực qua tiền lương cho NLĐ. Thông qua chính sách tiền lương khẳng định vị thế và uy tín của của người sử dụng lao động đối với xã hội.
Đối với mỗi chủ thể tiền lương đều có vai trò quan trọng. Đối với NLĐ, tiền lương là khoản thu nhập chính. Đối với Nhà nước, tiền lương đóng góp vào ngân sách, quỹ bảo hiểm đảm bảo an sinh xã hội, điều tiết thu nhập giảm bất bình đẳng trong thu nhập quốc dân, giảm thất nghiệp xã hội. Thông qua tiền lương, NLĐ thúc đẩy hành vi lao động của mình, là đòn bẩy thúc đẩy lao động đảm bảo cho quá trình sản xuất phát triển tuy nhiên nếu đây là tiền lương được trả thỏa đáng.
Quan điểm, nhận thức và một số kết quả, tồn tại của chính sách tiền lương trong giai đoạn qua
Chính sách tiền lương dành cho NLĐ trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến, trải qua nhiều kỳ cải cách tiền lương, tình trạng tiền lương, tiền công được trả đã đáp ứng được đời sống cơ bản của NLĐ trong xã hội. Tuy nhiên, việc tiền lương đáp ứng đủ cho cuộc sống thực tế của NLĐ vẫn chưa đạt được.
Vì vậy, nhận thức về việc coi tiền lương là giá cả sức lao động phù hợp với quan hệ cung cầu lao động trên thị trường là vấn đề đáng lưu tâm trong việc đổi mới chính sách tiền lương tại các giai đoạn được hình thành theo nguyên tắc thỏa thuận và đáp ứng được tính tạo động lực cho NLĐ. Đây chính là đòn bẩy liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và NLĐ.
Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó đổi mới chính sách tiền lương là một phần trong chính sách tiền lương ở nước ta hiện nay, đổi mới chính sách tiền lương đã trải qua 4 lần cải cách, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập.
Tiền lương hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đời sống, đa số người hưởng lương còn khó khăn trong chi tiêu thực tế; tiền lương cán bộ công chức, viên chức trong khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực doanh nghiệp, tiền lương của NLĐ trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động.
Chính sách là hệ thống các thể chế, các định hướng, các quy định tạo nên những thực hành của nhà nước vào một đối tượng quản lý nào đó.
Nhà nước thời gian qua đã có nhiều chính sách tiền lương đã thể hiện sự ưu đãi đối với NLĐ như quy định về điều kiện lao động, lĩnh vực và ngành nghề làm việc kèm theo đó là các loại phụ cấp như phụ cấp thu hút, phụ cấp theo điều kiện làm việc, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại nặng nhọc, phụ cấp thâm niên, phụ cấp theo lĩnh vực công tác tách riêng và thêm vào trong cơ chế tiền lương để tăng thêm thu nhập cho NLĐ; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước và chất lượng lao động của NLĐ.
Chính sách tiền lương là hệ thống các nguyên tắc, các thực hành của Nhà nước trong lĩnh vực tiền lương nhằm phát triển chính sách do Nhà nước ban hành; giải quyết các vấn đề tiền lương nhằm điều tiết những quan hệ tiền lương, tiền thưởng và thu nhập bảo đảm lợi ích của NLĐ, thường xuyên cải thiện mức sống cho NLĐ và phát huy vai trò kích thích của tiền lương đối với việc thúc đẩy các động lực phát triển. Khi nghiên cứu và ban hành chính sách tiền lương thường dựa trên các nguyên tắc sau:
- Trả lương đúng mức cho NLĐ với mức hưởng ở mỗi cấp bậc là ngang bằng, nhằm đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng trong trả lương.
- Đảm bảo năng suất lao động tăng nhanh hơn tiền lương bình quân, tạo khả năng nâng cao đời sống của NLĐ và phát triển nền kinh tế.
- Đảm bảo mối quan hệ hợp lý về tiền lương giữa những NLĐ làm nghề khác nhau trong nền kinh tế quốc dân.
Quan hệ tiền lương ngày càng trở nên phức tạp trong xu thế phát triển chung của đất nước, bởi nó chứa đựng nhiều nghịch lý luôn tồn tại ở cả khu vực sản xuất và khu vực hành chính sự nghiệp tồn tại cả ở tầm vĩ mô và tầm vi mô.
Không chỉ ở khu vực Nhà nước mà cả ở khu vực ngoài Nhà nước, chính sách tiền lương đối với công chức hành chính Nhà nước phần nào bảo đảm cho họ và gia đình có thể sống bằng lương, dần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, để CBCNVC yên tâm công tác trong nền công vụ, thu hút nhân tài vào hoạt động công vụ, tránh hiện tượng chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư.
Trong thời gian qua, việc đổi mới chính sách tiền lương được Đảng và Chính phủ quan tâm và thể hiện bằng nhiều hình thức cụ thể và đã đạt được một số kết quả: (1) Thể hiện được tính ổn định xã hội, mức lương hiện hưởng thực tế của NLĐ được nâng lên đáng kể; (2) Chế độ tiền lương bước đầu đã xác định rõ giá trị sức lao động qua đó góp phần làm gia tăng năng suất lao động nhờ tạo được động lực lao động; (3) Tiền lương đã dần thể hiện được sự công bằng trong phân phối thu nhập trong xã hội; (4) Xác định rõ quỹ tiền lương nhằm xác định cơ sở cho mỗi tổ chức, cơ quan xác đinh lượng biên chế trong mỗi đơn vị tổ chức của mình; (5) Các chính sách tiền lương đã nghiên cứu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn đồng bộ với các chính sách khác nhằm đồng bộ hóa thực tiễn trong ban hành chính sách bám sát vào đời sống của người lao động; (6) Việc thiết kế thang bảng lương đã bám sát vào từng ngành nghề, vị trí công việc để có sự phù hợp và có xét đến mối quan hệ từ nhiều mặt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tiền lương còn một số tồn tại như: (1) Mức lương của NLĐ hiện chưa theo kịp sự gia tăng của giá trị các loại hàng hóa có nhu cầu của NLĐ, mức sống từ tiền lương của NLĐ còn thấp, nhiều vùng có chi phí sinh hoạt đắt đỏ tiền lương chỉ đáp ứng cơ bản cho cuộc sống của NLĐ hưởng lương; (2) Tiền lương còn mang tính bình quân chưa trả lương được cho những giá trị khác biệt như lao động có giá trị cao, lao động có nhiệm vụ quan trọng có trình độ chuyên môn cao hoặc lao động có đóng góp lớn cho một lĩnh vực ngành nghề nào đó.
Vì vậy hiệu quả, năng suất lao động, động lực làm việc tính cống hiến của NLĐ cho tổ chức chưa đạt được như mong muốn bởi tiền lương là nguồn sống chính cho NLĐ nên vấn đề đổi mới chính sách tiền lương luôn là vấn đề cấp thiết được đặt ra đối với mỗi chủ thể như: Nhà nước, đơn vị sử dụng lao động, NLĐ.
Một số góp ý đối với đổi mới chính sách tiền lương
Trước yêu cầu phát triển trong điều kiện những cơ hội, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm đúng đắn, phù hợp với bối cảnh mới, chính sách tiền lương có tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đến từng tổ chức sử dụng lao động và quan trọng hơn cả là đến từng NLĐ, một bộ phận quan trọng trong cấu trúc xã hội.
Các chính sách tiền lương trong đổi mới phải đảm bảo cân bằng lợi ích các bên: Nhà nước - người sử dụng lao động - NLĐ. Trong quá trình nghiên cứu đổi mới chính sách cần bám sát vào thực tiễn và chú trọng các vấn đề:
- Đổi mới chính sách tiền lương phải bám sát vào thực tiễn của đất nước có tính đến yếu tố hội nhập khách quan, tiềm lực kinh tế của đất nước, khả năng chi trả của tổ chức doanh nghiệp và mức sống, chất lượng sống của NLĐ.
- Chính sách tiền lương phải điều tiết được các hình thức phân phối, trong đó chú trọng nhất là hình thức phân phối theo kết quả và hiệu quả kinh tế.
- Các chính sách tiền lương phải nghiên cứu và bám sát vào quy luật giá trị, quy luật cung cầu sức lao động trên thị trường lao động.
- Chính sách tiền lương ban hành phải đảm bảo thu nhập trang trải được cho đời sống của NLĐ và gia đình họ, trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội.
- Đổi mới chính sách tiền lương phải đáp ứng tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương trước đó;
- Chính sách tiền lương đổi mới phải theo nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật kinh tế khách quan.
- Chính sách tiền lương phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phải có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tiềm lực của đất nước.
- Đổi mới, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và ổn định Nhà nước xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Vì vậy, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị cao gắn liền với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Kết luận
Đổi mới chính sách tiền lương góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống của NLĐ, mỗi một chính sách tiền lương ban hành sẽ làm thay đổi cuộc sống của NLĐ và góp phần ổn định an sinh xã hội. Đối với Nhà nước, Chính phủ, việc đổi mới chính sách tiền lương thể hiện rõ vai trò quản lý điều tiết vĩ mô và hơn cả là chăm lo đời sống của người dân.
Đối với các Bộ, Ngành, tổ chức sử dụng lao động và đối với các nhà nghiên cứu chính sách tiền lương, việc nghiên cứu đổi mới và áp dụng chính sách tiền lương luôn là vấn đề quan trọng và cốt lõi trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Vì vậy, việc đổi mới chính sách tiền lương cần thực hiện đồng bộ và liên thông để chính sách tiền lương thực sự đi vào cuộc sống đối với mỗi NLĐ, mỗi tổ chức, doanh nghiệp và với cả nền kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
2. Thông tư liên tịch số 11/1993/TTLT-BTC-CBCP-BLĐTBXH-BTC của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ngày 31/03/1993 hướng dẫn chế độ nâng bậc lương năm 1993 đối với công chức, viên chức xếp lương theo Nghị định số 25/1993/NĐ-CP ngày 23/05/1993 của Chính phủ.
3. Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT-BNV-BTC ngày 17/02/2003 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương, trợ cấp và sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí thuộc ngân sách nhà nước.
4. Thông tư số 06/2018/TT-BNV ngày 31/05/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị xã hội và Hội.
5. Nghị định số116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.