Đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Theo mof.gov.vn

Ngày 21/8/2015, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp và Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức hội thảo: “Đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập” nhằm phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn

Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Cục Quản lý công sản, Cục Quản lý giá, Vụ Tổ chức cán bộ); đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện sở tài chính các tỉnh phía Nam; đại diện các sở của thành phố Hồ Chí Minh (Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông…); đại diện một số trường đại học, đơn vị sự nghiệp công lập tại thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Tôn Đức Thắng…).

Trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã nêu bật sự cần thiết đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập từ thực tế triển khai Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 trong thời gian qua. Xuất phát từ thực tiễn phát triển dịch vụ công chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và xã hội cả về số lượng và chất lượng, chưa huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển dịch vụ công trong khi ngân sách nhà nước hàng năm phải dành một phần kinh phí không nhỏ cho nhiệm vụ chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó tạo quyền chủ động hơn trong quản lý chi tiêu tài chính hướng tới sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, đồng thời mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung cơ bản trong Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, cũng như thách thức khi triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Bà Nguyễn Thị Hải - Trưởng phòng Sự nghiệp kinh tế (Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp) đã nhấn mạnh những điểm mới của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP so với Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, cụ thể là: Về tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự; về giá, phí, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới cơ cấu và phương thức đầu tư của ngân sách nhà nước; đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ công và đơn vị sự nghiệp công lập. Những đổi mới này nhằm thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; đồng thời tạo điều kiện cơ cấu lại NSNN, dành thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội.

Ông Bùi Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã trao đổi về những cơ hội và thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có nhiều cơ hội phát triển khi được tự chủ về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tự chủ về tổ chức, nhân sự; tự chủ về tài chính nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính.

Ông Hứa Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing đã chia sẻ những nội dung cơ bản của Đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Trường Đại học Tài chính - Marketing được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 378/QĐ-TTg ngày 23/3/2015 còn gặp một số khó khăn và hạn chế nhất định. Ông Tuấn kiến nghị: (i) Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường có lộ trình phát triển đội ngũ, để đến năm 2020 sẽ đạt tiêu chuẩn cả số lượng và chất lượng giảng viên; (ii) Đổi mới giáo trình, bài giảng để nâng cao chất lượng thông qua dự án chuẩn hóa giáo trình và vay vốn ODA để tài trợ cho dự án này; (iii) Cơ chế nghiên cứu khoa học thỏa đáng đối với các đề tài nghiên cứu có chất lượng cao; (iv) Cơ sở vật chất cần có để phục vụ đào tạo và quản lý; (v) Tự chủ trong việc xác định các nội dung chi và định mức cho các hoạt động.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung vào thảo luận một số vấn đề như quản lý nguồn vốn, chính sách phát triển, hạch toán kế toán trong điều kiện hiện nay. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cũng như những kiến nghị và giải pháp tổ chức thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 nhằm thực sự đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đạt hiệu quả tốt và sớm đi vào cuộc sống./.