Tăng cường thể chế hóa cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập
Trong những năm qua, cơ chế hiện hành quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước thể chế hóa cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSNN, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Thể chế hóa cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập
Theo quy định của Luật quản lý, sử dụng TSNN, đơn vị sự nghiệp công lập được chia làm 02 nhóm: (i) đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và (ii) đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính. Về tiêu chí để phân loại, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BTC ngày 06/02/2012 quy định tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính.
Tương ứng với 02 nhóm đơn vị sự nghiệp công lập là 02 cơ chế quản lý, sử dụng TSNN khác nhau. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính thực hiện quản lý, sử dụng TSNN như cơ quan nhà nước, trừ khoản thu được từ thanh lý, nhượng bán tài sản (không bao gồm quyền sử dụng đất) được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Ngược lại, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; ngoài các quyền, nghĩa vụ như cơ quan nhà nước, đơn vị được phép sử dụng tài sản nhà nước giao vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết (sau đây gọi tắt là mục đích kinh doanh); đơn vị thực hiện việc trích khấu hao tài sản cố định (toàn bộ hoặc phần tài sản cố định sử dụng vào mục đích kinh doanh) để hình thành quỹ khấu hao dùng cho việc tái tạo lại tài sản, thay vì ngân sách nhà nước phải cấp lại.
Khi Nhà nước thực hiện các quyền điều chuyển, thu hồi luôn phải bảo đảm cho đơn vị bảo toàn, phát triển vốn và tài sản được giao. Việc sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh phải đảm bảo 4 yêu cầu: (i) không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao; (ii) sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; (iii) phát huy công suất và hiệu quả sử dụng TSNN và (iv) thực hiện theo cơ chế thị trường.
Thực hiện quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSNN. Tại Chương III (từ Điều 37 đến Điều 51) của Nghị định này quy định chế độ quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập; xác định giá trị TSNN để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; tổ chức giao TSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; quản lý, sử dụng đất tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính vào mục đích kinh doanh; khấu hao tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; quản lý, sử dụng số tiền trích khấu hao tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; thu hồi, điều chuyển TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; bán, thanh lý TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; thuê TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; tiêu hủy TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và bảo dưỡng, sửa chữa, lập và quản lý hồ sơ TSNN, báo cáo, công khai, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.
Những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSNN, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đạt những kết quả nhất định
Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững đòi hỏi phải phát huy cao độ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, trong đó tài sản công là nguồn lực to lớn và đầy tiềm năng. Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN hiện đang quản lý 4 loại TSNN có giá trị lớn gồm: đất, nhà, ô tô, tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.
Tính đến ngày 31/12/2014, tổng nguyên giá TSNN của cả nước là: 999.692,08 tỉ đồng (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, DNNN). Trong đó, 59.251 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) hiện đang quản lý 304.810 tài sản (chiếm 63,82% tổng số lượng TSNN), với tổng nguyên giá là 690.590,36 tỉ đồng (chiếm 69,08% tổng giá trị TSNN).
Đánh giá về cơ chế quản lý, sử dụng TSNN hiện hành, theo Cục Quản lý công sản, quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều đơn vị khi được giao vốn đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động, tăng khả năng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp một phần vào NSNN.