Đổi mới giáo dục nghề nghiệp thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá về tư duy và công nghệ mới, làm thay đổi tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có tác động không nhỏ đến vấn đề lao động và giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết phân tích những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục nghề nghiệp hiện nay và đề xuất những giải pháp nhằm đổi mới giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới giáo dục nghề nghiệp

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là đỉnh cao mới của sự phát triển công nghệ, có tác động đến toàn bộ đời sống con người cả về công việc, giải trí và kết nối thông tin. CMCN 4.0 mang lại nhiều lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng, CMCN 4.0 tạo điều kiện để đổi mới tư duy và phương pháp đào tạo, học tập thông qua kết nối các thiết bị thông minh, các lớp học ảo, lớp học trực tuyến…

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đem lại không ít thách thức, đặc biệt là với thị trường lao động và hệ thống GDNN của Việt Nam. Điểm yếu của lao động Việt Nam hiện nay, kể cả lao động đã qua đào tạo nghề là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong làm việc công nghiệp. Trong khi đó, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm giảm nhu cầu lao động ở các nhóm ngành thâm dụng lao động và tạo ra nhiều việc làm ở các ngành nghề đòi hỏi trình độ tư duy, sáng tạo cao như công nghệ thông tin, thiết kế, hóa học...

CMCN 4.0 sẽ tạo ra thị trường lao động 4.0, cùng với đó là hệ thống giáo dục đào tạo, GDNN 4.0. Điều này đòi hỏi những kỹ năng mới trong lao động cần phải truyền tải và thực hiện trong hệ thống GDNN. Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, hệ thống GDNN cũng phải chú trọng đến kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, năng lực sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp…

Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới cũng đã chỉ ra hạn chế của GDNN hiện nay. Quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.

Do đó, giáo dục đào tạo nói chung và GDNN ở Việt Nam nói riêng cần đưa ra những chiến lược và biện pháp cụ thể, đồng bộ nhằm hạn chế thách thức trong phát triển kỹ năng, giáo dục và đào tạo, đồng thời, tận dụng các cơ hội to lớn do CMCN 4.0 mang lại. Qua đó, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0

Để đáp ứng yêu cầu về đào tạo nhân lực của CMCN 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống GDNN cần tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng với những giải pháp đồng bộ, trọng tâm như:

Một là, đổi mới về cơ chế chính sách. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, phù hợp với thực tiễn đối với đội ngũ nhà giáo, người học, cơ sở GDNN, người lao động trước khi tham gia thị trường lao động, doanh nghiệp tham gia đào tạo; hoàn thiện các cơ chế chính sách về phân bổ và sử dụng tài chính trong lĩnh vực GDNN.

Hai là, đổi mới quản lý GDNN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Cần hoàn thiện cơ chế, bộ máy quản lý nhà nước về GDNN theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm; chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý GDNN ở các cấp, nhất là ở cấp địa phương.

Ba là, đổi mới hoạt động đào tạo. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề. Phương pháp đào tạo cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy người học làm trung tâm. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong GDNN theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học.

Bốn là, nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDNN thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng. Đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề trên cơ sở chuẩn nhà giáo GDNN. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDNN ở nước ngoài và các chương trình tiên tiến ở trong nước.

Năm là, phát triển đào tạo tại doanh nghiệp và gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo. Tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDNN, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác người-máy.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN. Tăng cường các hoạt dộng hợp tác đa phương, song phương trong các lĩnh vực của GDNN như nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; quản trị nhà trường… Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở GDNN chất lượng cao tại Việt nam; thực hiện liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo nghề nghiệp.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

2. Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia;

3. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bài giảng “Một số vấn đề về cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Hà Nội, năm 2017;

4. http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/36805/seo/Daotao-nhan-luc-cho-cachmang-cong-nghiep-4-0/Default.aspx.