Đổi mới hoạt động giám sát của cơ quan dân cử

Trần Huyền

Theo Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) cần được xây dựng bám sát chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; nội dung sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tiễn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải hoặc chồng chéo.

Quang cảnh phiên họp chiều 20/11.
Quang cảnh phiên họp chiều 20/11.

Bổ sung nhiều chính sách mới

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại phiên họp chiều 20/11, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Dự thảo Luật bám sát vào 05 chính sách đã trình Quốc hội trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật.

Về giám sát của Quốc hội, Dự thảo sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về: Thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, vấn đề được giải trình tại phiên giải trình của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát.

Đồng thời, bổ sung 03 điều quy định xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn; Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Về bảo đảm hoạt động giám sát, Dự thảo sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát; việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Bên cạnh đó, bổ sung 02 điều quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát và ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho biết, tại dự thảo luật cũng đã xây dựng 02 phương án đối với các nội dung quy định về: Bổ sung nguyên tắc mới trong Luật và quy định nội dung của nguyên tắc này trong một số điều của dự thảo Luật; Thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo; Bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; Bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.

Giám sát hiệu quả, thực chất

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh quan điểm bám sát chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; nội dung sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tiễn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải hoặc chồng chéo. Không luật hóa những nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung cần linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, bảo đảm đổi mới hoạt động giám sát hiệu quả, thực chất; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động giám sát; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát...

Về phạm vi sửa đổi, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí và đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, nhất là các nội dung luật hóa quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, nghiên cứu làm rõ để đề xuất sửa đổi một số nội dung khác có vướng mắc, bất cập, bổ sung một số phương thức giám sát, giải pháp đổi mới được đúc kết qua tổng kết thực tiễn cho thấy hiệu quả, cần thiết nhưng chưa được Luật quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng phân tích và nêu rõ quan điểm của Ủy ban Pháp luật đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật. Trong đó, về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, nhiều ý kiến trong Ủy ban tán thành với Phương án 1 và cho rằng, việc quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp giữa năm đối với một số báo cáo sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc vốn rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm, tạo thuận lợi để Chính phủ tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 01 năm, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí về nguồn lực.

Một số ý kiến lại tán thành Phương án 2 đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời điểm Quốc hội xem xét các báo cáo để bảo đảm tính thời sự, đồng bộ với việc Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của năm sau.

Về bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung quy định Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh để thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể các chủ thể có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Đồng thời, Ủy ban đề nghị không bổ sung quy định Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết vì vấn đề này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm chủ động của các cơ quan trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, đã được quy định cụ thể tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật tương ứng về tổ chức bộ máy.

Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, Ủy ban Pháp luật không tán thành việc luật hóa nội dung này. Theo Ủy ban, đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao của Luật Hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định Ban Dân nguyện có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát này.

Việc không bổ sung nội dung này cũng bảo đảm tính thống nhất nội tại của Luật vì ngoài các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ban Dân nguyện, Luật Hoạt động giám sát có một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ban Công tác đại biểu nhưng Cơ quan chủ trì soạn thảo không đề xuất bổ sung, định danh trong dự thảo Luật. Đồng thời, việc không bổ sung nội dung này là phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, theo đó không luật hóa những nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.