Đổi mới quản lý nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Sáng 14/12/2017, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đã phối hợp với Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Đổi mới quản lý nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”. Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận nêu bật những điểm mới của Luật Quản lý nợ công 2017 và một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai.
Ngày 23/11/2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14, thay thế Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17/06/2009. Luật Quản lý nợ công được ban hành, thay thế Luật Quản lý nợ công năm 2009 nhằm thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính khẳng định, sau khi Luật Quản lý nợ công được ban hành, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là đồng bộ hóa thể chế đối với quản lý nợ công. Khi đã đồng bộ hóa về thể chế nợ công mới có điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính tốt hơn mà hệ quả là an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo.
Với tinh thần đóng góp cùng Bộ Tài chính hướng tới hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, tại Hội thảo, các nhà quản lý thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cùng các chuyên gia kinh tế - tài chính đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến: Những điểm mới của Luật Quản lý nợ công 2017 và một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai; Kinh nghiệm quốc tế về quản lý nợ và đảm bảo an toàn nợ công; Đổi mới quản lý nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Nhận xét về khuôn khổ pháp lý quản lý nợ công, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - chuyên gia tài chính nhận định, trước năm 2009, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý nợ công không đầy đủ và thiếu đồng bộ. Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Ban Chấp hành trung ương về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã nêu rõ mục tiêu “Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP”.
Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng về nợ công thành pháp luật của Nhà nước. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, các điểm nhấn đáng lưu ý của Luật gồm: (i) Phạm vi nợ công đã được quy định rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; (ii) Các công cụ quản lý nợ công đã được cụ thể hóa; (iii) Đã đưa ra các quy định đáp ứng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay thông qua việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ; (iv) Pháp lý hóa đầy đủ các quy định về công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình; (v) Thống nhất về cơ quan quản lý nhà nước về nợ công.
Về hạn mức nợ công, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định, trên thực tế không có hạn mức an toàn chung cho các nền kinh tế; không phải tỷ lệ nợ công trên GDP thấp là trong ngưỡng an toàn và ngược lại. Mức độ an toàn của nợ công phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình trạng mạnh hay yếu của nền kinh tế thông qua hệ thống chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, hiệu quả sử dụng vốn vay, các chủ nợ, đồng tiền vay nợ…
Theo TS. Hà Huy Tuấn, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ lương hưu, nợ khu vực ngân hàng là những khoản nợ cần lưu ý trong cách tính nợ công. Trên cơ sở đó, cùng với việc xem xét đánh giá các chỉ tiêu khác của nền kinh tế, Bộ Tài chính cần rà soát, xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát nợ công phù hợp.
Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Ban Chấp hành trung ương về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã nêu rõ mục tiêu: “Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP”.