Đổi mới sáng tạo: Xu thế thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0
Theo Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 59 lên 47/128 nước và nền kinh tế. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay, phản ánh Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động.
Áp dụng công cụ quản lý vào sản xuất
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ số ISO 9001 và ISO 14001 năm 2017 của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, tương ứng 1,4% và 37,5% so với năm 2016. Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - cho biết: Các chỉ số trên đang tiếp tục tăng so với những năm trước.
Kết quả này liên quan đến tới các hoạt động mà Tổng cục triển khai thực hiện trong thời gian qua như: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000; đẩy mạnh chương trình quốc gia năng suất chất lượng và các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tư vấn hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý vào tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong cả nước.
Trong khi đó, theo số liệu nghiên cứu của của Viện Năng suất Việt Nam, chỉ số “Tốc độ tăng năng suất lao động” năm 2017 của Việt Nam ước tính tăng 6%, cao hơn so với tốc độ tăng của năm 2016 và bình quân chung của giai đoạn 2011 - 2017 là 4,7%. Điều này phản ánh sự chuyển đổi nhận thức của các DN, tổ chức trong việc đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao công tác quản lý, quản trị DN trong sản xuất, kinh doanh.
Đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ
Thời gian qua, việc đổi mới công nghệ chưa được các DN Việt Nam quan tâm thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn. Những năm gần đây, các chương trình quốc gia, quỹ phát triển khoa học - công nghệ đã tập trung nguồn lực hỗ trợ, giúp DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới. Nhà nước cũng tạo nhiều nguồn vốn hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, tăng năng suất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Cụ thể, đến nay, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với khoản ngân sách hàng nghìn tỷ đồng đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ, chủ yếu từ các DN vừa và nhỏ thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.
Quỹ còn tư vấn cho các DN bước đầu xây dựng thành công gần 300 nhiệm vụ; tuyển chọn được 85 đề tài, dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3.674 tỷ đồng; trong đó, vốn do DN đầu tư khoảng 2.639 tỷ đồng (chiếm 72%), hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 1.035 tỷ đồng (chiếm 28%). Theo đánh giá ban đầu, mức tăng trưởng của các DN sẽ đạt 12 - 18%/năm sau khi thực hiện đổi mới công nghệ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2017, có 31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lập Quỹ khoa học - công nghệ với số tiền khoảng 2.276 tỷ đồng, số tiền đã sử dụng trong năm gần 1.500 tỷ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy, các DN đang ngày càng quan tâm đến việc đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đổi mới sáng tạo giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Muốn khuyến khích đổi mới sáng tạo, cần có nguồn tài chính và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Tại Việt Nam, chi cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ chiếm 1,5% ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính, chiếm khoảng 65 - 70% tổng đầu tư xã hội cho đổi mới sáng tạo. Các DN hầu như không đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) để đẩy mạnh tăng trưởng.