Doanh nghiệp chuyển mình với công nghiệp 4.0
Mặc dù đã được áp dụng nhiều ở nước ngoài, nhưng tại Việt Nam, để tìm những thông tin, kinh nghiệm chia sẻ về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) còn hạn chế nhiều. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn, nếu doanh nghiệp Việt sớm áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 thì sẽ đáp ứng tốt hơn những yêu cầu này.
Công ty cổ phần Công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal là một doanh nghiệp (DN) thuần Việt ở miền Tây Nam bộ rất chịu khó trong việc đầu tư chiều sâu công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất đèn led, xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng.
Điều này đã mang lại nhiều hiệu quả cho công ty trong sản xuất kinh doanh. Doanh thu năm 2017 của DN này đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần xuất khẩu đèn led đã chiếm 30%. Duhal còn là đối tác chiến lược của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc.
Lộ trình đã rõ?
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo DN Việt với cách mạng công nghiệp 4.0 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 12/4, ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó Tổng Giám đốc Duhal, cho biết trong 3 năm qua, công ty đã đầu tư 30 triệu USD cho 2 nhà máy sản xuất đèn led ở Tiền Giang và Bến Tre.
Từ cách đây 8 năm, công ty đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên có khá nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo, triển khai và ứng dụng công nghệ trong các chuỗi sản xuất, chi phí sản xuất giảm.
Theo ông Sáng, xuất khẩu của công ty đang tăng trưởng tốt, tuy nhiên các thị trường phát triển ngày càng đưa ra khá nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về những tiêu chuẩn cũng như những quy cách, con số… Vì vậy, công ty xác định nếu áp dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất sẽ đáp ứng rất nhiều những yêu cầu này.
Mặc dù vậy, ông Sáng cho rằng để DN trong nước tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 cần một lộ trình rõ ràng hơn, khi nhiều DN vẫn còn loay hoay với cách mạng công nghiệp 3.0.
Về lý thuyết cho việc chuẩn bị cách mạng công nghiệp 4.0 đã được nói đến nhiều ở các cuộc hội thảo, nhưng thực sự để các DN áp dụng một cách chuyên nghiệp phải có thời gian.
“Điểm hạn chế lớn là trong khi có nhiều DN lớn của nước ngoài đã áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 rồi, nhưng để tìm được thông tin hoặc những kinh nghiệm chia sẻ ở Việt Nam về xu hướng này thì còn hạn chế nhiều”, ông Sáng bộc bạch.
Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều DN Việt hiện nay. Theo ông Lê Đình Phong, TS. chuyên ngành Robotics và tự động hóa (Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh), nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ.
Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài. Nguyên nhân một phần do tận dụng giá nhân công lao động thấp, trong khi vốn đầu tư cho các dây chuyền tự động rất lớn và tính linh hoạt chưa cao.
Còn ở góc nhìn của một DN làm thương mại điện tử, nói về mối liên hệ từ cách mạng công nghiệp 4.0, ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc Kinh doanh công ty Haravan, lưu ý DN Việt chưa nhìn thấy nguy cơ cho hàng Việt Nam khi hàng hóa ngoại nhập vào theo con đường thương mại điện tử.
Theo ông Tiến, có rất nhiều DN có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường, nhưng làm thương mại điện tử thì họ không biết bắt đầu từ đâu, trong khi Việt Nam có đến 60% dân số dùng internet, online 25 giờ/người/tuần.
Còn thế giới hiện có 600 triệu người tiêu dùng không biên giới. Công nghệ đang làm thay đổi ở nhiều lĩnh vực, trong đó thương mại điện tử đang thay đổi hành vi và thói quen của người dùng.
“Cách đây khoảng 10 năm sẽ khó hình dung câu chuyện người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam, nhưng những năm gần đây có thể nhập hàng từ nước ngoài về dễ dàng thông qua công cụ như Amazon, Alibaba, Lazada… và đó là thách thức của các DN sản xuất tại Việt Nam”, ông Tiến nhấn mạnh.
Dưới góc độ của một DN Việt ngành thực phẩm, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vinamit, chia sẻ: với tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, có lẽ DN Việt bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá, mới có sức hấp dẫn người tiêu dùng.
Đối với một địa phương cụ thể như TP. Hồ Chí Minh vốn được cho là đi đầu trong áp dụng công nghệ mới, để các DN Việt có thể áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban quản lý khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, khuyến nghị cần chuyển đổi cơ cấu lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có kỹ năng chuyên môn cao bằng chính sách, cơ chế ưu đãi áp dụng cho các DN và các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Mặt khác, nên có cơ chế ràng buộc các DN FDI tham gia phát triển chuỗi cung ứng nội địa (nội địa hóa), có cơ chế đặc biệt để khuyến khích DN trong nước đầu tư tham gia chuỗi cung ứng nội địa.
TP. Hồ Chí Minh cũng nên dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet); phát triển thị trường vốn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.