Đón cơ hội đầu tư sang Myanmar
Myanmar được đánh giá là “mảnh đất vàng cuối cùng” của khu vực trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam. Song bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp (DN) đầu tư tại Myanmar phải đối mặt với không ít thách thức.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện các DN Việt Nam đã đầu tư sang Myanmar 54 dự án với tổng vốn đăng ký 564,225 triệu USD. Với kết quả này, Myanmar là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 của Việt Nam.
Đáng chú ý, các dự án đầu tư của DN Việt Nam tại Myanmar được Chính phủ nước này đánh giá cao về chất lượng, thời gian thực hiện dự án và tuân thủ tốt các chính sách pháp luật. Trong số các dự án của DN Việt Nam đầu tư tại đây, có không ít các dự án lớn, điển hình như Dự án Myanmar Center của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Viettel đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để thực hiện dự án liên doanh trong lĩnh vực viễn thông tại Myanmar với tổng vốn đầu tư 735 triệu USD. Nếu dự án này thành công, số vốn đầu tư của DN Việt Nam sang Myanmar sẽ đạt hơn 1 tỷ USD.
Mặc dù đầu tư của các DN Việt Nam vào Myanmar tăng khá nhanh, song theo ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - kết quả đầu tư của DN Việt Nam sang Myanmar chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của DN hai bên.
Để tạo điều kiện cho DN Việt Nam mở rộng đầu tư sang Myanmar, thời gian tới, cơ quan chức năng hai nước sẽ có cuộc khảo sát, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu đầu tư của DN Việt Nam tại Myanmar, nắm bắt những vướng mắc trong quá trình đầu tư, từ đó tìm hướng tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN Việt Nam đầu tư tại Myanmar.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm Việt Nam – Myanmar cơ hội đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Đại sứ quán Myanmar cho biết, Myanmar là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, người dân Myanmar rất ưa thích các sản phẩm của Việt Nam, nhất là các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực y tế, dược phẩm, đồ tiêu dùng và những mặt hàng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp.
Để khuyến khích thu hút các DN Việt Nam nói riêng và DN nước ngoài nói chung, quốc gia này cũng đang áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập DN trong 5 năm đầu cho các DN nước ngoài. DN nước ngoài đầu tư tại Myanmar cũng được sử dụng 75% lao động nước ngoài trong 2 năm đầu tiên, từ năm thứ 3 giảm xuống 50% và sau đó giảm tiếp còn 25%.
Bên cạnh những cơ hội, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đầu tư sang Myanmar cũng phải đối mặt với nhiều thách thức vì những năm gần đây, không chỉ các DN Việt Nam mà rất nhiều DN nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng tập trung đầu tư tại Myanmar.
Theo ông Vũ Văn Chung- Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài- DN Việt Nam muốn đầu tư sang Myanmar thành công cần lưu ý đến Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và Hiệp định Khuyến khích bảo hộ đầu tư giữa hai quốc gia được ký kết vào năm 2000. Theo đó, các DN Việt Nam nên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều thế mạnh như: Nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng chế biến thủy sản, viễn thông, ngân hàng...
Ngoài một số lưu ý trên, các chuyên gia cũng cho rằng, để có được thành công khi đầu tư sang Myanmar, DN cần có kế hoạch đầu tư kinh doanh nghiêm túc, tiến hành nghiên cứu kỹ thị trường và tìm hiểu pháp luật.
Ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài:
Cục Đầu tư nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách, thủ tục đầu tư, giúp đỡ các DN Việt Nam xúc tiến đầu tư vào Myanmar thành công.