Lời giải cho thu hồi tạm ứng vốn đầu tư những tháng cuối năm?

PV.

Tạm ứng vốn và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư trở thành một trong những chủ đề trao đổi quan trọng giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý tại Toạ đàm Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 do Kho bạc Nhà nước tổ chức hôm 12/9/2016.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Tại sao tạm ứng vốn vẫn chưa được thu hồi?

Thống kê của Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho thấy, tính đến hết ngày 31/8/2016, tổng số dư tạm ứng vốn đầu tư tại hệ thống KBNN đạt 55.071,7 tỷ đồng, trong đó số dư tạm ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 13.280,1 tỷ đồng.

Nếu chia theo giai đoạn, tổng số dư tạm ứng từ năm 2003 trở về trước là 212,6 tỷ đồng, trong đó số dư tạm ứng vốn GPMB là 115 tỷ đồng và từ năm 2004 đến hết ngày 31/8/2016 là 54.859,1 tỷ đồng, trong đó số dư tạm ứng vốn GPMB là 13.165 tỷ đồng. 

Riêng số dư tạm ứng vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2016 là 25.008,8 tỷ đồng, trong đó số dư tạm ứng vốn GPMB là 3.905,4 tỷ đồng.

Tại báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư 8 tháng đầu năm và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn đầu tư những tháng cuối năm, KBNN đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến số dư tạm ứng còn chưa thể được thu hồi.

Theo đó, việc tạm ứng theo hợp đồng vẫn ứng thời gian tạm ứng theo quy định vẫn chưa đến thời hạn phải thu hồi. Hơn nữa, việc sử dụng vốn tạm ứng cho công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB của một số đơn vị chưa rõ ràng, có tình trạng sử dụng vốn của dự án này để chi trả cho phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB của dự án khác.

Chẳng hạn, trong quá trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường GPMB, và thường các dự án do Trung ương quản lý hay gặp vướng mắc trong khâu đền bù, nên Trung tâm phát triển quỹ đất đã sử dụng vốn tạm ứng GPMB của các dự án thuộc nguồn vốn Trung ương để thực hiện đền bù cho các dự án khác thuộc nguồn vốn địa phương dẫn đến dự án thuộc Trung ương không thu hồi được số vốn đã tạm ứng.

Bên cạnh đó, một số các dự án trong giai đoạn trước bị đình chỉ, dãn, hoãn tiến độ chưa bố trí nguồn vốn hoặc có dự án đã quyết toán nhưng vẫn còn dư nợ tạm ứng mà chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục thanh toán tạm ứng tại KBNN.

Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng, trách nhiệm của một số chủ đầu tư đối với công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các dự án đầu tư XDCB vẫn chưa cao. 

Các chủ đầu tư chỉ mới chú trọng giám sát đẩy nhanh tiến độ tại hiện trường mà chưa quan tâm đúng mức đến việc hoàn tất hồ sơ thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành tại KBNN để thanh toán khoản kinh phí đã tạm ứng theo qui định dẫn đến một số dự án số dư tạm ứng còn lớn tại KBNN.

Dồn sức cho những tháng cuối năm

Tại buổi toạ đàm, đại diện các chủ đầu tư cũng đã nêu ra các vướng mắc và đề nghị các cơ quan quản lý có giải pháp hỗ trợ để giải quyết vấn đề tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư trong quá trình triển khai các dự án.

Nhằm giải quyết vấn đề tạm ứng và thu hồi tạm ứng đối với vốn đầu tư, tránh thất thu ngân sách nhà nước, trong những giải pháp từ nay đến cuối năm, KBNN đã đề nghị các Bộ, ngành và địa phương có biện pháp thu hồi số dư tạm ứng, đặc biệt là đối với số dự tạm ứng còn tồn đọng tại KBNN.

Đối với các chủ đầu tư, KBNN khuyến nghị cần thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, trao đổi thống nhất với nhà thầu để việc thu hồi vốn tạm ứng ngay từ lần thanh toán đầu tiên với mức thu hồi tương ứng với tỷ lệ đã tạm ứng. 

Bên cạnh đó, thực hiện báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn gửi cơ quan cấp trên của chủ đầu tư theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

KBNN cho biết cũng sẽ tăng cường chỉ đạo hệ thống KBNN các tỉnh, thành phố trong việc đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Đồng thời, chỉ đạo KBNN các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng.