“Dọn đường” vào bất động sản công nghiệp
Dù dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đang mang lại nhiều triển vọng cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) công nghiệp, song theo các nhà đầu tư (NĐT) trong lĩnh vực này, đây không phải là “mảnh đất” màu mỡ cho những NĐT nghiệp dư.
Dù chưa quá rầm rộ, dòng vốn đầu tư vẫn đang chảy vào phân khúc BĐS công nghiệp để kịp thời dọn sẵn cơ sở hạ tầng đón vốn FDI và vốn trong nước. Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này đang gia tăng, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và gần nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thực thi.
Đón đầu triển vọng sản xuất kinh doanh
Theo số liệu mới nhất của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 7 tháng đầu năm 2016, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên cả nước đã thu hút được 506 dự FDI, với tổng vốn đăng ký đạt trên 6,1 tỷ USD; và điều chỉnh tăng vốn cho 392 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm gần 3,4 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 7 tháng đầu năm, tổng số vốn FDI vào KCN, KKT là 9,5 tỷ USD, chiếm tới hơn 2/3 tổng vốn FDI thu hút được của cả nước.
Bên cạnh đó, còn có 360 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 52.430 tỷ đồng đã đổ vào các KCN, KKT. Thu hút vốn cả trong và ngoài nước đạt kết quả tích cực đã tạo ra nhiều triển vọng cho đầu tư vào lĩnh vực BĐS công nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Vũ Quốc Huy, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ KH&ĐT cho biết, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2015, cho thấy triển vọng đầu tư vào lĩnh vực này là rất tích cực.
Cụ thể, tổng doanh thu đạt hơn 79,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu của các DN đạt gần 53,5 tỷ USD, đóng góp gần 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2015. Đóng góp của các KCN, KKT vào ngân sách Nhà nước đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, các KCN, KKT đã tạo thêm hơn 250.000 việc làm mới, nâng tổng số lao động trong KCN, KKT lũy kế đến hết tháng 7/2016 là hơn 3 triệu lao động.
Vụ Quản lý các KKT đánh giá, các KCN, KKT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm.
“Đặc biệt các KCN, KKT đã thu hút được một số dự án đầu tư có quy mô lớn và rất lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp điện tử, từng bước khẳng định Việt Nam là một cứ điểm sản xuất công nghiệp toàn cầu”, ông Vũ Quốc Huy nhấn mạnh.
Không dễ với “tay mới”
Dù dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đang mang lại nhiều triển vọng cho lĩnh vực BĐS công nghiệp, song theo các NĐT trong lĩnh vực này, đây không phải là “mảnh đất” màu mỡ cho những NĐT nghiệp dư. Bởi để tạo sức hấp dẫn thu hút các dự án thứ cấp, NĐT cần cân nhắc và đánh giá nhiều yếu tố để xây dựng chiến lược và tầm nhìn dài hạn, cùng với sự hỗ trợ của chính sách.
Đơn cử như Tập đoàn Amata (Thái Lan), thông qua Công ty TNHH Amata Việt Nam, hồi tháng 7 vừa qua đã đăng ký đầu tư cho Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn 309 triệu USD. Với dự án này, Amata đã chính thức hoàn thành kế hoạch đầu tư 3 dự án KCN tại Đồng Nai. Tính đến nay, NĐT Thái Lan đã đăng ký đầu tư 614 triệu USD vào lĩnh vực BĐS công nghiệp tại Việt Nam.
Đại diện của Amata cho biết, họ tiếp tục chọn Đồng Nai để đầu tư vì kỳ vọng tận dụng cơ hội mang lại từ quá trình Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong các FTA. Bên cạnh đó, yếu tố khác để quyết định mở thêm KCN thứ 3 là hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được đầu tư tại khu vực phía Nam, như Dự án sân bay quốc tế Long Thành, các cảng biển nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải… sẽ là yếu tố hấp dẫn NĐT nước ngoài và trong nước đến với Đồng Nai.
Một NĐT không mới trong lĩnh vực BĐS song lại là tân binh trong BĐS công nghiệp là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4), mới đây cũng nhảy vào mảng đầu tư này với dự án có giá trị lên tới 1 tỷ USD, vì nhận thấy nhiều triển vọng.
Do không có nhiều kinh nghiệm trong mảng BĐS công nghiệp, CIENCO 4 đã lựa chọn hợp tác với Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan) triển khai dự án KCN - đô thị Hemaraj tại KKT Đông Nam, tỉnh Nghệ An.
Được biết Hemaraj là tập đoàn hàng đầu tại Thái Lan trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN – đô thị. CIENCO 4 kỳ vọng có thể tận dụng được năng lực và kinh nghiệm của Hemaraj, kết hợp với tiềm lực tài chính và uy tín của mình để lấn sân sang lĩnh vực đặc thù này.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác để NĐT Việt Nam và Thái Lan mạnh dạn rót vốn chính là được sự hỗ trợ của chính sách. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An cam kết áp dụng tất cả các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho dự án. Ngoài ra, tỉnh còn có trách nhiệm thanh toán 100% chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí giải phóng mặt bằng khác cho toàn bộ diện tích KCN của dự án. Nhờ đó, giá thuê mặt bằng sau khi hoàn thiện sẽ được giảm xuống mức tương đối cạnh tranh so với các địa phương khác.
Đây là chính sách hỗ trợ mà không phải địa phương nào cũng sẵn sàng dành cho NĐT. Thực tế cho thấy một số KCN có giá thuê trung bình tương đối cao do thiếu những ưu đãi dành cho các nhà phát triển KCN, làm giảm sút công suất cho thuê, dù nằm ở địa bàn thuận lợi.
Ông Vũ Quốc Huy bổ sung, NĐT hiện nay rất quan tâm tới thủ tục cấp phép đầu tư tại KCN có thông thoáng không, thời gian cấp phép có đáp ứng được đủ tiến độ triển khai dự án hay không. Do đó, để thu hút đầu tư vào KCN và kéo các NĐT vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng KCN, cần chính sách phân cấp, uỷ quyền mạnh hơn nữa cho ban quản lý các KCN, KKT.