Đơn giản hóa thủ tục thăm dò, khai thác vật liệu san lấp
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình xây dựng kịp tiến độ, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản nhằm tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục cho các dự án khai thác vật liệu san lấp. Nội dung xoay quanh các vấn đề như: bổ sung khu vực không đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS); giao đất cho nhà đầu tư; kiến nghị Chính phủ đơn giản hóa thủ tục, quy trình.
Tháo gỡ tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang và sắp triển khai nhiều công trình xây dựng quy mô lớn, nhỏ. Bên cạnh nguồn vật liệu xây dựng là đá, cát, sỏi…, các công trình này cần một lượng lớn đất để đắp nền.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nguồn vật liệu san lấp cơ bản đáp ứng thi công các công trình giao thông, dự án xây dựng dân dụng.
Tuy nhiên, đối với các công trình hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, sân bay Long Thành… thì cần khối lượng lớn, có nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vật liệu đắp nền có nguy cơ thiếu hụt. Điển hình là dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Theo ông Hưng, hiện tỉnh Đồng Nai chưa có quy hoạch tổng thể về khai thác vật liệu san lấp. Các mỏ đất phân tán, quy mô nhỏ và vừa, gây khó khăn cho các địa phương trong việc cung ứng nguồn vật liệu san lấp cho các công trình qua địa bàn. Ngoài ra, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác mỏ vật liệu san lấp phức tạp trong khi trữ lượng ít, khó thu hút đầu tư hơn so với mỏ đá xây dựng.
Để tháo gỡ tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, tháng 3/2021, UBND tỉnh có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, bỏ bớt các thủ tục không cần thiết trong cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định bổ sung 13 khu vực không đấu giá quyền KTKS, trong đó có 12 khu vực khai thác vật liệu san lấp tại các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và TP.Long Khánh để mời gọi các nhà đầu tư. Đến nay, UBND tỉnh chấp thuận lập hồ sơ thăm dò khai thác vật liệu đối với 3 mỏ và cấp giấy phép thăm dò cho 1 mỏ.
Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND H. Xuân Lộc cho rằng, thời gian qua, địa phương gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ khối lượng vật liệu san lấp theo yêu cầu các công trình, đặc biệt là dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Nguyên nhân là do nhu cầu vật liệu san lấp cho công trình này rất lớn và yêu cầu phải là đất phún sỏi đỏ. Huyện chưa có khu vực quy hoạch thăm dò khai thác đất quy mô lớn.
Trước năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép cải tạo đất nông nghiệp (hạ thấp độ cao) và di chuyển đất, đá dư thừa ra khỏi khu vực nhưng hiện nay UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương không tiếp nhận hồ sơ cải tạo đất nông nghiệp có thu hồi đất, đá làm vật liệu san lấp. H. Xuân Lộc đã lựa chọn một số gò, đồi; khu sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đưa vào quy hoạch sử dụng đất khu vực có thể KTKS.
Cắt giảm thủ tục không cần thiết
Theo các chủ đầu tư, vướng mắc hiện nay là địa phương chưa có khu vực quy hoạch thăm dò, KTKS. Nhiều dự án, nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, chi phí để hoàn tất các thủ tục khai thác vật liệu san lấp nhưng lại không thỏa thuận được bồi thường đất với người dân. Theo yêu cầu của tỉnh, các địa phương phải đưa khu vực dự kiến thăm dò, KTKS quy hoạch sử dụng đến năm 2030 cấp huyện, nhưng đến nay quy hoạch này đang chậm.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, trở ngại lớn với các nhà đầu tư là thủ tục khai thác phức tạp trong khi trữ lượng vừa và nhỏ, hoàn thành khai thác phải trả lại hiện trạng đất nông nghiệp. Do đó, các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và các đơn vị có liên quan nghiên cứu kỹ các quy định, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép khai thác theo hướng rút ngắn thời gian thẩm định và cho triển khai đồng thời các bước.
Riêng đối với dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các đơn vị đánh giá, bố trí công trình thăm dò trữ lượng, thống nhất trình UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò trong thời hạn không quá 10 ngày; thẩm định báo cáo thăm dò khoáng sản, xác định trữ lượng và trình UBND tỉnh cấp phê duyệt trữ lượng trong thời gian không quá 12 ngày; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường không quá 15 ngày; thẩm định hồ sơ và trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Ngoài ra, Sở Xây dựng thẩm định thiết kế mỏ không quá 5 ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư không quá 15 ngày. Các dự án khai thác vật liệu san lấp sau này cũng phải thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, từ nay đến năm 2025, Đồng Nai cần nguồn vật liệu san lấp rất lớn, phục vụ các công trình xây dựng lớn nhỏ. Để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, các địa phương rà soát, đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 khu vực có tiềm năng KTKS.
Tỉnh Đồng Nai sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù với các dự án lớn, cấp bách. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung khu vực KTKS không đấu giá; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện thăm dò, khai thác vật liệu san lấp.