Đồng bộ nhiều giải pháp tăng thu, giảm bội chi ngân sách nhà nước
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 20/5/2019 tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, với việc kiểm soát chi chặt chẽ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đã giúp giảm bội chi, nhất là đối với ngân sách trung ương.
Tăng thu 6,7%, giảm bội chi 41.337 tỷ đồng
Theo tờ trình của Chính phủ, quyết toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 là 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017 đạt 197.272 tỷ đồng, vượt 17.272 tỷ đồng so với dự toán.
Năm 2017, Việt Nam đã thực hiện giảm thuế suất theo cam kết với các thị trường Hàn Quốc, ASEAN do đó làm giảm thu mạnh. Tuy nhiên, nhờ giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng gần 22% so với năm 2016, và việc tăng cường quản lý thuế (thanh tra, kiểm tra với 8.200 cuộc, thu 2.790 tỷ đồng), nên đã góp phần tăng thu NSNN trong năm 2017. Cùng với đó, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng cho các đơn vị trong năm 2017 cũng được ngành Tài chính thực hiện kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định là 99.143 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động thu NSNN, công tác chi cũng được triển khai đồng bộ, tích cực, chủ động bằng nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Kết quả là, quyết toán chi NSNN đạt 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,5% (giảm 35.446 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm (như các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu) nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán ngân sách được giao. Trong đó, riêng chi đầu tư phát triển là 372.792 tỷ đồng, tăng 4,4% (15.642 tỷ đồng) so với dự toán, do tăng chi từ nguồn tăng thu của địa phương, nguồn dự phòng ngân sách và nguồn năm trước chuyển sang. Số chi đầu tư phát triển chiếm 27,5% tổng chi NSNN, bằng 7,4% GDP.
Cũng theo Tờ trình, trong năm 2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng như chi sự nghiệp khoa học công nghệ, chi giáo dục đào tạo, chi sự nghiệp y tế, chính sách an sinh xã hội, tiếp tục được chú trọng bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đồng thời tích cực đổi mới, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình tính chi phí đầy đủ theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; Việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với số thu chi như trên, quyết toán bội chi NSNN năm 2017 là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện, giảm 41.337 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, ngân sách địa phương quyết toán không bội chi, giảm so với dự toán 6.000 tỷ đồng; ngân sách trung ương quyết toán 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP, giảm về số tuyệt đối là 35.337 tỷ đồng, giảm 0,76% GDP so với dự toán Quốc hội quyết định.
Đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN
Đó là đánh giá tại Báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải trình bày ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tờ trình của Chính phủ.
Theo Báo cáo thẩm tra, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN 2015, năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN 2017-2020, với mức điều chỉnh tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư tăng cao đã gây áp lực nhất định cho việc lập dự toán và điều hành ngân sách.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết tâm cao, kịp thời ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm tăng trưởng kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ thu, chi NSNN. Theo đó, tổng thu ngân sách vượt dự toán, chi NSNN cơ bản tuân thủ các qui định góp phần cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội; bội chi thấp hơn dự toán cả số tương đối và số tuyệt đối, nợ công trong giới hạn Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra, UBTCNS cũng đưa ra một số lưu ý trong điều hành ngân sách năm 2017. Cụ thể: Cơ cấu thu ngân sách tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng dần qua từng năm song còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020; tốc độ chuyển dịch có xu hướng chậm lại. Chính sách thu chậm được sửa đổi...
Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khu vực nhà nước, thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được kết quả nhất định, song triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại NSNN. Tỷ trọng chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương cao, chiếm 39% tổng chi thường xuyên nếu tính thêm lương hưu và trợ cấp BHXH thì chiếm 44%.
Trên cơ sở Tờ trình và kết quả thẩm tra, UBTCNS của Quốc hội thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017. Cụ thể như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.683.045 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư NSĐP năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN và chênh lệch bội thu với bội chi ngân sách địa phương để trả nợ gốc 9.521 tỷ đồng); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.681.414 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018); Bội chi NSNN 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 129.073 tỷ đồng).